Bảo quản đĩa than đúng cách

Đĩa than có thể được xem là một những cầu nối giữa tâm hồn chúng ta với âm nhạc, vì vậy việc giữ gìn và bảo quản tốt chiếc đĩa than của mình cũng một cách để bảo vệ tâm hồn của người nghe nhạc nói chung, và những tín đồ mâm đĩa than nói riêng

Dù đã có niên đại hơn 100 năm, nhưng cho đến tận bây giờ, thú vui chơi đĩa than vẫn được nhiều Audiophile đam mê và lựa chọn, bất chấp sự ra đời của nhiều công nghệ mới hiện nay. Vẻ đẹp hoài cổ cùng với chất âm rất “mộc” chính là nét quyến rũ của những chiếc đĩa than này.

Tuy nhiên, chúng ta đôi khi lại quá chú trọng vào việc nâng cấp hệ thống âm thanh, nhưng lại quên mất việc bảo quản những chiếc đĩa than mỏng manh.

Với những chia sẻ sau đây, hy vọng những người yêu nhạc, đặc biệt là các tín đồ Vinyl Record có thể biết thêm một số lưu ý nhỏ để có thể chăm sóc tốt cho bộ sưu tập của mình.

Không xếp chồng đĩa than lên nhau

Một điều mà những người chơi mâm than đôi lúc, hoặc có thể là vô tình mắc phải đó chính là xếp chồng đĩa than lên nhau, điều này sẽ tác động xấu lên chất lượng của đĩa, gây vênh đĩa, và làm ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm thưởng thức âm nhạc.

Vì sao lại như vậy ?

Nếu những ai đã sử dụng đĩa than chắc hẳn đều biết rằng loại đĩa này được cấu tạo từ loại nhựa mang tên Polyvinyl Chloride (hay còn được gọi là nhựa Vinyl). Đây là một loại “Nhựa nhiệt dẻo” thường được sử dụng làm màng PVC hay ống nhựa PVC, làm dây và cáp điện bởi đặc tính mềm dẻo, dai và dễ gia công.

Chính vì đặc tính của loại nhựa này, nên khi chúng ta vô tình xếp chồng đĩa than lên nhau, áp suất và trọng lượng của các đĩa than sẽ tác động không đều lên các bề mặt đĩa bị xếp chồng lên, cộng thêm phần không khí bị bí và hầm theo thời gian sẽ làm biến dạng đĩa, gây hiện hượng bị vênh đĩa mà ta thường thấy.

Vậy sắp xếp như thế nào là đúng ?

Chính vì vậy, chúng ta không nên xếp chồng những chiếc đĩa than lên nhau cho dù là có Jacket (bìa album) hay không. Những chiếc đĩa than nên được bảo quản trên kệ, và hãy luôn đặt chúng theo chiều thẳng đứng như những cuốn sách. Ngay cả khi xếp đứng, hãy giữ cho mỗi đĩa một khoảng không gian thích hợp sao cho các album này vừa đủ đứng thẳng và không bị ngã vào nhau.

Chú ý không gian trưng bày và lưu giữ đĩa than

Bên cạnh việc sắp xếp đĩa than như thế nào cho đúng, không gian trưng bày và lưu giữ cũng là một điểm đáng chú ý dành cho các tín đồ đĩa than. Ngoài việc phải đảm bảo không gian thoáng đãng, chúng ta cũng cần phải để ý đến độ ẩm không khí, nhiệt độ và ánh sáng mặt trời tại nơi mà chúng ta lưu giữ những bộ sưu tập.

Độ ẩm không khí

Vào những ngày mùa mưa, đặc biệt là giai đoạn thời tiết nồm ẩm kéo dài ở miền Bắc, độ ẩm trong không khí tăng cao, và đây cũng chính là một trong những tác nhân gây ảnh hưởng đến chất lượng của đĩa, cũng như làm giảm sút chất lượng bao đựng đĩa.

Chung ta có thể hiểu độ ẩm trong không khí tức chỉ mức hơi nước có bên trong không khí. Khi độ ẩm trong không khí tăng cao, đây là điều kiện thuận lợi để nấm mốc phát triển mạnh mẽ, và hiển nhiên điều này sẽ gây tổn hại trực tiếp đến bao đựng đĩa, cũng như là chất lượng đĩa về lâu dài. Không những thế, độ ẩm tăng cao sẽ khiến cho các bụi mịn trong không khí bám dai hơn, khó vệ sinh hơn.

Vì vậy, vào những ngày ẩm, chúng ta cần thường xuyên chú ý và vệ sinh, lau và giữ khô đĩa than thường xuyên hơn một chút. Đặc biệt khi vệ sinh và lau khô đĩa than, nên sử dụng các dụng cụ chuyên dụng, hoặc có thể dùng khăn mềm và lau nhẹ nhàng bề mặt đĩa.

Nhiệt độ và ánh sáng mặt trời

Bên cạnh độ ẩm không khí, nhiệt độ cũng là một trong những tác nhân chính gây ảnh hưởng đến chất lượng của đĩa than. Chính vì được cấu tạo từ nhựa Polyvinyl Chloride – một loại nhựa nhiệt dẻo, đĩa than rất dễ bị cong hoặc biến dạng đĩa bởi những môi trường hầm không khí hoặc nóng. Hơn hết, đĩa than lại vô cùng nhạy cảm khi tiếp xúc ở những nơi có nhiều ánh sáng mặt trời.

Khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong thời gian dài, quá trình Oxi hóa sẽ diễn ra, và hiện tượng đầu tiên mà ta có thể thấy rõ nhất chính là đĩa than và bìa đĩa sẽ bị sậm màu, làm mất giá trị mỹ quan của đĩa. Đồng thời, Tia UV từ ánh sáng mặt trời cũng có thể làm giảm độ đàn hồi của đĩa than, gây biến dạng kết cấu và làm giảm chất lượng âm thanh, cũng như là giảm đi đáng kể tuổi thọ của đĩa than.

Không gian như thế nào là phù hợp danh cho bộ sưu tập đĩa than ?

Ngoài việc là cầu nối giữa tâm hồn với âm nhạc, đĩa than còn là món nội thất đầy phong cách và màu sắc. Chính vì vậy, chúng ta cũng cần có một không gian phù hợp để trưng bày và lưu trữ bộ sưu tập của mình.

Một không gian thoáng đãng chắc chắn sẽ là lựa chọn hàng đầu, sự thông thoáng, mát mẻ và khô ráo cùng với nhiệt độ phòng lý tưởng từ 15’C đến 25’C sẽ giúp ích rất nhiều cho tuổi thọ và chất lượng của đĩa than. Bên cạnh đó, nên hạn chế tối đa việc trưng bày và lưu trữ đĩa than ở gần các thiết bị có khả năng tỏa nhiệt, đặc biệt là những nơi có nhiều ánh sáng mặt trời. Và cuối cùng, giữ vệ sinh đĩa và không gian trưng bày đĩa cũng là cách để đĩa than đồng hành cùng chúng ta xuyên suốt chặn đường dài.

Không tiếp xúc trực tiếp lên bề mặt đĩa than

Với đĩa than, các bản nhạc sẽ sống trên bề mặt đĩa, vì vậy chúng ta không nên cầm nắm hay tiếp xúc trực tiếp lên mặt đĩa. Việc chạm lên bề mặt đĩa sẽ gây ra những tác hại không đáng có, cũng như làm giảm chất lượng đĩa và trải nghiệm nghe nhạc.

Tại sao chúng ta lại không được cầm nắm hay chạm vào mặt đĩa ?

Trên bề mặt của đĩa than, chúng ta có thể dễ dàng thấy được một đường xoắn ốc dài được khắc trên bề mặt đĩa, đường xoắn ốc dài này chính là rãnh đĩa than. Rãnh đĩa than có chiều rộng khoảng 0,5 mm và độ sâu khoảng 0,0001 mm, và là nơi chưa đựng các thông tin âm thanh được khắc dựa theo hình dạng của sóng âm thanh thu được từ nguồn phát. Vì vậy, rãnh đĩa than cực kì nhạy cảm với các tác động môi trường xung quanh, đặc biệt là với bụi bẩn.

Khi ta cầm hay tiếp xúc trực tiếp lên bề mặt đĩa than, bụi bẩn trên bàn tay ta có thể gây trầy xước, những vết xước này thường li ti, rất nhỏ, và chúng ta gần như không thấy hoặc không mấy chú ý đến.

Dần dần theo thời gian, các vết xước này trở nên chằn chịt trên bề mặt đĩa, và hẳn cho đến khi ta thấy rõ những vết xước bằng mắt thường, hoặc những tiếng nổ “tạch – lộp bộp” xuất hiện nhiều thì lúc ấy chất lượng của đĩa đã xuống cấp. Và dĩ nhiên dầu và mồ hôi tay cũng là tác nhân giúp cho các hạt bụi trở nên bám dai, khó xử lý hơn, cũng như tạo nên các mảng bám do dầu và mô hôi tay dính và khô lại.

Có quá cầu kì để có thể cầm một chiếc đĩa than trên tay ?

Để có thể cầm một chiếc đĩa than trên tay thì cũng không quá cầu kì để thực hiện, nhưng chúng ta cần phải thực hiện đúng để giữ gìn chất lượng của đĩa than và trải nghiệm âm nhạc của chúng ta, cũng như có thể giúp đĩa than có thể bền bỉ với thời gian.

Giữ tay sạch sẽ và không cầm nắm, hay chạm vào bề mặt đĩa than là điều kiện đầu tiên để cầm một chiếc đĩa than trên tay. Vậy làm sao để có thể cầm một chiếc đĩa than dúng cách đúng cách ?

Thông thường tất cả các đĩa than được thiết kế bao gồm 2 phần mà chúng ta có thể chạm vào. Với phần trung tâm được dán hoặc in thông tin của đĩa, phần còn lại là mép đĩa được thiết kế hơi cộm và nhô nhẹ so với mặt đĩa.

Khi lấy từ bọc ra và cầm hay di chuyển đĩa than, chúng ta nên nhẹ nhàng cầm mép của đĩa than, hoặc dùng một ngón vịn vào mép của đĩa than, một ngón khác đỡ ở giữa trung tâm của đĩa để cầm.

Có thể thấy các thao tác cầm rất đơn giản, và chúng ta chỉ cần để ý một chút để có thể giữ gìn chất lượng của đĩa than, cũng như là thao tác nhiều để có thể quen tay hơn.

Đĩa than có thể được xem là một những cầu nối giữa tâm hồn chúng ta với âm nhạc, vì vậy việc giữ gìn và bảo quản tốt chiếc đĩa than của mình cũng một cách để bảo vệ tâm hồn của người nghe nhạc nói chung, và những tín đồ mâm đĩa than nói riêng. Với “6 điều cần biết khi bảo quản đĩa than (P.1)”, hi vọng mọi người sẽ có thêm những kiến thức hữu ích cho thú chơi đĩa than của mình nhé.

Với những ai yêu thích đĩa than, chiếc đĩa tựa như chiếc cầu nối giữa tâm hồn và âm nhạc, là liều thuốc tinh thần sau những lúc mệt mỏi, và là nguồn tài nguyên phong phú tạo nên một vốn sống đầy màu sắc. Vì vậy, bảo vệ và giữ gìn tốt đĩa than cũng là một trong những cách để chúng ta chăm sóc tốt cho tâm hồn của mình.


Đồng thời, việc giữ gìn và bảo quản đĩa là vô cùng quan trọng, nó không quá cầu kì, nhưng việc này đòi hỏi chúng ta cần phải thực hiện đúng để có thể giữ gìn tốt chất lượng của đĩa theo thời gian. Như ở Phần 1, mình đã giới thiệu cho các bạn 3 lưu ý khi bảo quan đĩa than bao gồm:

“Không xếp chồng đĩa than lên nhau

Chú ý không gian trưng bày và lưu giữ đĩa than

Không tiếp xúc trực tiếp lên bề mặt đĩa than”.

Đây là những lưu ý mình đút kết được thông qua những trải nghiệm trong hành trình đến với đĩa than, và chính bản thân mình cũng muốn chia sẻ đôi chút kiến thức mà mình học được nhằm có thể giúp mọi người, cũng như các đồng âm Vinyl có thể giữ gìn tốt bộ sưu tập của mình.

Tránh để đĩa than ở ngoài bọc nếu không cần thiết

Thông thường sau khi nghe xong, chúng ta đôi khi quên, hoặc đơn giản là chỉ muốn để bên ngoài nhằm những khi cần thì có thể tiện tay để để dùng. Tưởng chừng như đây là một thói quen vô hại, cùng lắm bụi bẩn thì chỉ cần phủi bụi và lau sạch đĩa. Nhưng điều này lại vô cùng tai hại, có thể làm giảm chất lượng của than rất nhanh chống, và cũng như ảnh hưởng đến trải nghiệm nghe nhạc của chúng ta.

Như chúng ta đều biết, âm nhạc sống trên mặt đĩa, và trên mặt đĩa bao sẽ gồm các rãnh âm thanh được khắc dựa theo sóng âm thanh thu được từ nguồn phát, vì vậy bề mặt đĩa than rất nhạy cảm bởi các yếu tố và ngoại lực từ bên ngoài, cũng như là môi trường xung quanh nơi trưng bày, lưu giữ và chơi đĩa.

Điều gì sẽ xảy ra nếu ta để đĩa than bên ngoài quá lâu nếu không cần thiết ?

Những đồ vật, vật dụng xung quanh ta đều bị mất dần chất lượng theo thời gian bởi nhiều yếu tố khác nhau, đặc biệt là bởi bụi bẩn nếu ta không giữ kỹ, và đĩa than cũng không ngoại lệ. Nếu chúng ta để đĩa bên ngoài bọc quá lâu khi không cần thiết, các hạt bụi mịn trong không khi sẽ dễ dàng bám lên bề mặt đĩa, theo thời gian có thể hình thành các mảng bụi, thậm chí có những hạt bụi gai góc có thể bám sâu vào bên trong rãnh đĩa, dần gây hư hại những đoạn rãnh trên bề mặt đĩa than.

Không chỉ bụi, những tác nhân khác như nhiệt độ, độ ẩm, nấm mốc, tia UV từ ánh sáng mặt trời, và nhiều tác động khác có thể kể đến như va chạm cũng có thể làm giảm đáng kể tuổi thọ và chất lượng của đĩa than.

Khi trưng bày bộ sưu tập đĩa than của mình, phần bọc đĩa sẽ che chở và giảm đáng kể lực tì vào nhau giữa những chiếc đĩa. Ngoài ra, phần bọc đĩa còn hạn chế tối đa các tác động từ môi trường, hoặc các ngoại lực gây ảnh hưởng đến chất lượng của chiếc đĩa Hay khi chúng ta vô tình xui rủi, trơn tay làm rơi chiếc đĩa của mình, bọc đĩa sẽ giảm đáng kể lực tác động mà đĩa than phải chịu.

Vì vậy, chúng ta chỉ cần cẩn thận hơn đôi chút, đặc biệt là khi sử dụng xong, nên quét bụi rồi hãy cất vào bọc đĩa. Ngoài ra, chúng ta cũng nên sắm cho những chiếc đĩa của mình một lớp Record Sleeves (Áo đĩa) có lót một lớp nilon trong suốt nhằm hạn chế tối đa việc nhiễm từ, cũng như bền bỉ hơn để bảo vệ chiếc đĩa của mình.

Chú ý vệ sinh đúng cách

Vệ sinh đĩa than là điều quan trọng và cần thiết dành cho bất cứ ai sở hữu và chơi đĩa than. Những cũng giống như việc cầm chiếc đĩa than trên tay, vệ sinh đĩa than cũng phải cần được thực hiện đúng cách để tránh những điều không mong muốn có thể xảy ra.

Đâu là những sai lầm ta hay mắc phải khi vệ sinh đĩa ?

Có thể bạn sẽ quen với việc cầm lấy một chiếc khăn có thể khô hoặc ướt, và sau đó lau đi lau lại trên bề mặt đĩa nhiều lần, cũng như là dùng một lực tay tương đối để lau đĩa. Hay như như một hành động rất quen thuộc đó là lấy ngón tay hoặc móng tay của mình để lấy những đớm bụi bám vào sâu rãnh đĩa. Có nhiều những sai lầm mà ta vô tình mắc phải, nhưng đây có thể xem là những sai lầm tiêu biểu và quen thuộc mà có thể gây hư hại trực tiếp cho bộ sưu tập đĩa than của mình.

Việc lấy một chiếc khăn khô hoặc ướt lau đi lau lại sẽ làm trầy bề mặt đĩa ngay lập tức vì những hạt bụi có trên bề mặt đĩa, hay ở trên khăn sẽ cọ sát liên tục, gây nên những vết trầy từ nhỏ li ti, cho đến những vết mà ta có thể thấy rõ sau khi lau. Thậm chí những vết trầy đó có thể sẽ nặng hơn bởi lực tay của chúng ta khi không chú ý trong quá trình vệ sinh. Chưa kể đến vật dụng mà dùng để vệ sinh như khăn nếu quá thô ráp cũng sẽ làm trầy đĩa.

Hay thói quen dùng ngón tay hoặc móng tay của mình để khựi những phần bụi dính sâu trên bề mặt đĩa cũng là tác nhân gây hư hại rãnh đĩa. Do diện tích tiếp xúc của móng hoặc ngón tay của chúng ta quá lớn so với hạt bụi và rãnh đĩa, vì vậy việc làm đó đã vô tình đè mạnh để những hạt bụi lún sâu hơn và cọ sát nhiều hơn vào rãnh đĩa trước khi hạt bụi được lấy ra.

Vậy chúng ta phải vệ sinh như thế nào cho đúng cách ?

Vệ sinh đĩa than thật sự không quá cầu kì, thật chất nó còn đơn giản và dễ làm hơn chúng ta nghĩ, và chỉ cần làm đúng cách thì đã có thể giữ gìn tốt chất lượng của đĩa than.

Đĩa than tương đối khá nhạy cảm, vì vậy nếu dùng khăn, hãy đảm bảo đó là khăn mềm và sạch, không có “sơ vải”, sau đó hãy lau nhẹ nhàng theo chiều của các rãnh đĩa, tránh lau quá mạnh. Hoặc nên sử dụng các dụng cụ hoặc dung dịch vệ sinh đỉa than chuyên dụng như chổi vệ sinh đĩa hay máy vệ sinh đĩa chuyên dụng nhằm đảm bảo chất lượng cho đĩa than.

Đặc biệt sau khi thưởng thức xong một chiếc đĩa, ta nên dùng chổi vệ sinh đĩa chuyên dụng và quét quanh một vòng đĩa trước khi cất vào bọc.

Vì sao ta phải làm vậy ?

Sau khi xoay hết một mặt, việc cọ sát liên tục giữa đầu kim và đĩa than sẽ tạo nên “hiện tượng từ”, những dòng từ nảy thường ta sẽ rất khó để nhận biết, nhưng chúng sẽ hút những hạt bụi mịn trong không khí, cũng như những hạt bụi này nhờ có từ tính nên sẽ bám dai hơn lên bề mặt đĩa.

Với chổi vệ sinh đĩa chuyên dụng, dụng cụ này thường được sản xuất từ vật liệu Carbon với thiết kế sợi mềm mại, dễ sự dụng và có khả năng khử từ. Vậy nên sau khi nghe xong, chúng ta nên dùng chổi vệ sinh đĩa quét quanh mặt đĩa ít nhất một lần để có thể khử từ, cũng như phủi bụi trước khi cất vào bọc.

Phụ kiện vệ sinh:

Giữ gìn bọc đĩa cũng là cách để giừ gìn trọn vẹn giá trị của chiếc đĩa

Nếu đĩa than là món chính trong bữa tiệc âm nhạc, thì bọc đĩa chính món khai vị tôn nên những giá trị tinh thần của chiếc đĩa, cũng như là của chính tác giả.

Bọc đĩa bao gồm 2 phần chính là Album Cover và Record Sleeves. Với phần Album Cover hay còn gọi là Bìa đĩa, đây là phần quan trọng, là lớp bảo vệ bên ngoài của chiếc đĩa. Phần còn lại là Record Sleeves, đây được xem như phần “Áo trong” của chiếc đĩa, với vai trò bảo vệ và hạn chế tối đa việc trầy xước.

Ngay từ những tiếp xúc đầu tiên, phần “Áo ngoài” hay còn được gọi là “Album Cover” chính là thứ đem đến cho chúng ta những hình ảnh, màu sắc, những thông tin, đi cùng với cảm giác phấn khích khi ta được cầm trên tay. Vậy nên để bảo quản trọn vẹn chiếc đĩa than, cũng như trải nghiệm và cảm xúc âm nhạc của bản thân thì việc giữ gìn bọc đĩa cũng là một điều vô cùng quan trọng mà ta cần lưu ý.

Tại sao bọc đĩa thường bị giảm sút chất lượng nhanh hơn so với đĩa than ?

Phần bọc đĩa có thể là phần chúng ta ít chăm sóc hơn mặc dù đây là thứ vô cùng quan trọng với đĩa than. Bên cạnh việc tôn lên những giá trị cốt lõi, phần bọc đĩa còn đóng vai trò là tấm khiên bảo vệ cho chiếc đĩa của chúng ta. Chính vì vậy, theo thời gian phần bọc đĩa có thể bị giảm sút chất lượng nhanh hơn so với đĩa than.

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng của bọc đĩa, trong đó tiêu biểu có thể nói đến như ánh sáng mặt trời gây ra tình trạng bạc màu, oxi hóa cả đĩa lẫn bọc đĩa, và tác hại từ tia UV có thể làm giảm kết cấu bọc đĩa, khiến cho bọc đĩa trở nên giòn và dễ rách. Độ ẩm không khí cũng là tác nhân chính gây nên nấm mốc, ố vàng và mềm bọc, khiến bọc cũng trở nên dễ rách hơn. Ngoài ra, dầu và mồ hôi từ tay của chúng ta cũng là nguyên nhân gây ố bọc, làm giảm sút chất lượng bọc đĩa theo thời gian.

Làm sao có thể giữ gìn bọc đĩa một cách hiệu quả ?

Việc bọc đĩa thường xuyển phải tiếp xúc với các yếu tố như ánh sáng mặt trời, độ ẩm không khí, bụi bẩn hay dầu và mồ hôi từ chính bàn tay của chúng ta là điều hiển nhiên. Vì vậy cũng giống như đĩa than, chúng ta cũng nên lưu ý không gian trưng bày hay lưu giữ bộ sưu tập đĩa của mình phải khô ráo và khoáng khí, chú ý việc phủi bụi để giữ sạch sẽ bọc đĩa của mình.

Tránh vệ sinh bằng khăn ướt hoặc khăn ẩm vì bọc đĩa thông thường được cấu tạo từ vật liệu giấy, lau bằng khăn ướt hay khăn ẩm lâu ngày có thể khiến có bọc đĩa bị nấm mốc bên trong, cũng như là sậm màu, và khiến bọc đĩa trở nên mềm và dễ rách.

Đồng thời, để tránh bụi bẩn, hay dầu và mồ hôi khi cầm nắm, chúng ta nên sắm cho bọc đĩa một chiếc Outer Sleeves (Áo ngoài) dành cho Bìa đĩa (Album Cover) nhằm giúp hạn chế tối đa các tác nhân gây ảnh hưởng đến chất lượng của bọc đĩa.

Với 6 điều lưu ý đơn giản này, chúng ta đã giữ cho bộ sưu tập đĩa than của mình được bảo quản tốt, và cũng như có thể đồng hành xuyên suốt chẳng đường để trở thành một phần trong tâm hồn và kỷ niệm của mỗi chúng ta. Với “6 điều cần biết khi bảo quan đĩa than (P.2)”, mình hi vọng mọi người sẽ có thêm những kiến thức hữu ích cho thú chơi đĩa than của mình nhé.

Nguồn projectaudio.vn

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*