AMPLI ĐÈN ƯU VIỆT HƠN TRANSISTOR?

Khi ampli transistor công suất lớn xuất hiện tràn ngập vào cuối thập kỷ 60, thời kỳ hưng thịnh của các ampli đèn dường như chấm dứt.

Transistor có ưu điểm nhỏ gọn, nhẹ và rẻ hơn, chạy lại rất mát và dễ đưa ra công suất cao hơn đèn. Ampli transistor không cần đến biến áp xuất âm – bộ phận có “công” lớn trong việc tăng trọng lượng cũng như chi phí sản xuất của ampli đèn.

Nhưng rồi nhiều người yêu nhạc đã sớm nhận thấy rằng âm thanh của ampli bán dẫn thời đó khó mà chấp nhận được. Chúng trình diễn không khác gì những chiếc đài bán dẫn, chỉ kêu to hơn thôi. Tuy nhiên khó có thể kiếm được một chiếc ampli đèn ra hồn trên thị trường tràn ngập các thiết kế transistor.

Ở Nhật Bản và một số nước châu Âu nơi được coi là cựu lục địa, phần đông người yêu nhạc đích thực vẫn thưởng thức âm thanh từ những chiếc ampli đèn.

Nhưng đến những năm 70, tại Mỹ, một vài chiếc ampli đèn thiết kế theo lối mới đã ra đời. Tác giả là William Zane Johnson (hãng Audio Research). Khi trưng bày ampli này trong một cuộc triển lãm hi-fi năm 1970, William Zane Johnson đã được báo chí đánh giá là người quay bánh xe thời gian của ngành công nghiệp âm thanh lùi lại 10 năm. Nhưng chính việc quay ngược bánh xe lịch sử đó đã khởi đầu cho trào lưu “phục hưng” của ampli đèn. Đến nay công cuộc phục hưng ấy vẫn còn tiếp tục mạnh mẽ sau hơn 40 năm.

Cuộc tranh luận bất phân thắng bại giữa đèn và transistor là chủ đề được hầu hết người chơi âm thanh quan tâm. Nó lại càng được bàn tán nhiều khi người ta phải lựa chọn một chiếc ampli công suất. Ampli đèn mang lại những màn trình diễn âm thanh ấn tượng, nhưng vẫn tồn tại rất nhiều hạn chế.

Nhược điểm mà ai cũng thấy được ngay là ampli đèn đắt hơn so với ampli bán dẫn có cùng công suất. Chi phí bóng đèn, biến áp xuất âm và bộ cấp nguồn đã làm cho cái giá phải trả để sở hữu một chiếc ampli đèn cao hơn hẳn ampli bán dẫn.

Không những thế, trong quá trình sử dụng cứ vài năm một lần, ta phải thay thế đèn và rõ ràng là chi phí của nó lại tăng lên. Một bộ 4 chiếc đèn công suất EL34 cũng đã ngốn sơ sơ hàng trăm USD.

Xét về mặt tiếng bass, ampli đèn khó mà đọ được với ampli bán dẫn chất lượng tốt. Ampli đèn kén loa do đèn ít có khả năng kiểm soát được tiếng bass, làm cho màn trình diễn dải trầm thiếu sức mạnh, độ căng và sự rộng mở. Hơn nữa, đèn thường cung cấp cho loa trở kháng thấp, độ nhạy thấp, dòng điện khá hạn chế và đòi hỏi người chơi cứ 6 tháng tới 1 năm phải chỉnh thiên áp để duy trì chất lượng làm việc ổn định. Các bóng đèn dùng trong ampli công suất cũng hay bị hỏng hơn transistor.

Nhiều ampli đèn được thiết kế theo kiểu bóng lộ thiên. Nếu sử dụng không cẩn thận, trẻ nhỏ hoặc vật nuôi trong nhà có nhiều nguy cơ bị bỏng. Bạn nên chọn ampli đèn có vỏ sắt bao bọc bên ngoài, tất nhiên, bộ vỏ này phải có lỗ thông hơi.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*