Văn hóa hi-end, thú chơi âm nhạc với giàn âm thanh cao cấp đã xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 1980-1990, ngay khi nhu cầu buôn hàng điện tử cũ đánh từ Nhật về trên các chuyến tàu viễn dương nở rộ.
Trước khi các trang tạp chí chụp hình những bộ giàn âm thanh chục tỷ như chúng ta vẫn trầm trồ, chắc chắn nhu cầu này bắt nguồn từ người mê nhạc. Ban đầu, họ chỉ là những người buôn hàng cũ nhập cảng, nhưng niềm đam mê âm nhạc khiến họ nhận thấy có một nguồn giàn loa Nhật, châu Âu, Mỹ có chất lượng âm thanh tuyệt hảo, trên mức hàng dân dụng nhiều lần…
Cơn sóng ngầm từ Việt Nam…
Từ vài cây vàng cách đây hơn 20 năm, hiện người Việt đã bỏ ra cả chục tỷ đồng để sắm giàn âm thanh. Tùy người chơi, thú chơi và mục đích sử dụng, dàn âm thanh hi-end có thể là thiết bị nghe nhạc đỉnh cao, là phương tiện thể hiện đẳng cấp, là đồ chơi, thậm chí là để trang trí nhà. Đó là một nền văn hóa toàn cầu thực thụ đã tồn tại vững chãi theo thăng trầm của nền công nghiệp ghi âm. Ngay cả khi nhạc đã bị nén thảm hại ở định dạng MP3, những bộ “siêu” giàn đó vẫn được phát triển, sản xuất, thậm chí là chạy đua tính năng giữa các hãng lớn với mức giá ngày càng chát chúa hơn.
Thời gian đầu, hi-end thực sự là cơn sóng ngầm của giới nhà giàu Việt nhưng có hiểu biết và yêu âm nhạc phát rồ. Sau thời gian mở cửa thị trường, một bộ phận người dân giàu lên rất nhanh và họ có nhu cầu sở hữu, trang bị cho bản thân tất cả những gì họ cho là hay nhất, sang nhất, đắt nhất. Ít có nơi nào trên thế giới mà người giàu lại có nhu cầu chứng tỏ đẳng cấp mãnh liệt như nước ta. Nói riêng đến hi-end, lĩnh vực này khoác cho người chơi một cái mác vô cùng “đỉnh” là biết thưởng thức cuộc sống, sành chơi, hiểu biết tầng cao… (Xin loại trừ những người mê âm thanh thuần túy). Tôi từng biết một người đầy thế lực trong kinh doanh bất động sản/nhà hàng, sau khi đọc trên báo về giàn âm thanh 4 tỷ của một tay chơi nào đó, đã lập tức tìm cách liên hệ một đầu mối buôn hi-end và phán một câu xanh rờn: “Chú lắp cho anh một bộ 10 tỷ”. Ví dụ khác, một hãng âm thanh lớn vừa tung ra thị trường 25 mâm đĩa than phiên bản hạn chế (Thorens The References), mỗi chiếc trị giá khoảng 90 nghìn euro. Một đại gia ở Việt Nam biết tin đã mua liền ba chiếc, ba màu khác nhau để… bày cho đẹp. Đó là những ví dụ có thể coi là đỉnh cao trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam.
Bác sỹ Lê Đình Phương, cộng tác viên của Esquire Việt Nam trong mục Health, cũng là một người chơi hi-end, chia sẻ: “Suy cho cùng, mọi loại âm nhạc cũng chỉ là các dạng âm thanh. Nhưng là loại âm thanh đắt tiền nhất, so với vô vàn âm thanh hỗn độn của đời sống. Từ những phòng ghi âm tân kỳ, người ta trình tấu, ghi lại những âm thanh ấy vào CD, đĩa vinyl… Những vật phẩm chứa âm thanh đó đến tay người nghe, lọt vào một giàn máy từ cấp độ xe kẹo kéo cho đến hi-end cao cấp. Từ đó, chúng mới hoàn thành khâu cuối cùng của ba chặng đường từ sáng tác, biểu diễn đến cảm thụ âm nhạc. Tùy theo tính chất của mỗi hệ thống nghe nhìn, âm thanh ấy lại được “mở bung” ra thành sóng nhạc, đi vào lòng công chúng qua thính giác.”
Đấu tranh giữa “thực” và “đẹp”
Chu trình thu âm và các bộ high- end là quá trình chuyển tải sóng âm thanh đến tai người nghe. Nó là một quá trình vật lý nhằm bảo toàn đến mức cao nhất độ trung thực của âm thanh từ phòng thu khi thoát ra ở chặng cuối cùng là đôi loa. Và đây cũng là giai đoạn đốt tiền của dân high-end, cũng như là chủ đề tranh luận bất tận: âm thanh nên “thực” hay nên “đẹp”?
Có những người chơi thích “thực”, họ loay hoay độ, chế, đổ tiền để tái hiện âm thanh càng thực càng tốt, càng gần với nguyên bản càng được cho là hay. Ngược lại, những người thích “đẹp” lại sử dụng nhiều biện pháp kỹ thuật để “nâng cấp” âm thanh cho “nịnh tai”, cho “ngọt”, cho “chắc”… Cái nào ưu việt hơn cái nào, chắc không bao giờ phân giải được, vì chơi âm thanh hay thưởng thức âm nhạc là hai mặt của cái sự sung sướng mang tên hi-end. Âm thanh dù sống động, chính xác cách mấy mà không có nhạc tính, không có âm trường thì cũng là… âm thanh.
Điều quyết định tối hậu là cảm thụ âm nhạc trong lòng người nghe. Một giàn máy dù siêu tân kỳ nhưng vẫn làm bận lòng người nghe vào những yếu tố kỹ thuật mang tính phô diễn thì vẫn là những khí cụ âm học không hơn. Ngược lại, thứ âm thanh chảy vào lòng, ngân nga những thanh âm đầy rung động, hữu hình mà vô thanh như ta vẫn gọi là “the sound of silence” mới là âm nhạc đích thực. Âm nhạc ấy đáng để ta tắt đèn, đặt một CD vào máy và để lòng lặng thinh trong bóng tối. Trong màn đen ấy, ta không thấy loa, thấy máy nữa mà chỉ “thấy” nhạc. Và chỉ khi đó, máy ấy, loa ấy, CD ấy… mới đích thực là “high-end” đúng nghĩa”.
Âm nhạc đích thực – tìm ở đâu?
Giàn âm thanh cao cấp không chỉ là đỉnh cao công nghệ hi-fi, đó còn là cơn nghiện của các tín đồ âm thanh… Vì sao lại nghe nhạc bằng những bộ giàn tiền tỷ cuối cùng thì đó là kim tiền hay gu thẩm mỹ? Để hiểu rõ hơn về văn hóa hi-end, nhu cầu nghe âm nhạc chất lượng cao ở Việt Nam, mời bạn nghe những chia sẻ của doanh nhân Lê Anh Đức, người sáng lập thương hiệu Caviar de Đuc, một tay chơi hi-end nhiều uy tín ở Việt Nam
“Tôi có một anh bạn chơi âm thanh rất nhiều năm và là fan của nhạc rock. Khi chúng tôi có một cuộc tranh luận cách đây 20 năm về âm nhạc và đồ audio, cũng như lí do tại sao phải bỏ ra hàng đống tiền để mua các hệ thống hi-end, anh đã nói một câu khiến tôi nhớ rất lâu: “Những fan của nhạc cổ điển ít có lí do để mua đồ hi-end nhất. Vì một bản concert for piano số 2 của Shostakovich hoàn toàn có thể nghe được hay nhất khi bạn đi mua một chiếc vé mấy chục đô. Nếu không nghe hôm nay thì nghe ngày mai, hoặc 30 năm sau vẫn sẽ có những giàn nhạc giao hưởng chơi những bản đó. Và chắc chắn nghe nhạc ở nhà hát là đỉnh cao của chất lượng âm thanh smile emoticon. Fan của Jazz thì đương nhiên khó hơn, vì không phải lúc nào cũng có Miles Davis để đi nghe. Rõ ràng cảm xúc khi ra sân vận động để tham dự một rock show của Pink Floyd, Metallica – smile emoticon là một cơ hội khó có thể lặp lại”.
Ý nôm na như sau: Classic thì muốn nghe ở đâu và lúc nào cũng được, mà vẫn chất lượng. Jazz và rock thì khó hơn nhiều hoặc thậm chí là không khả thi, chỉ đơn giản do các nhóm rock, nghệ sỹ Jazz huyền thoại hầu như không còn lặp lại. Và đấy là lí do nghiêm chỉnh nhất tôi từng nghe tại sao phải mua những bộ giàn mà tần số của loa thấp xuống dưới 10 hz và có thể rung chuyển cả căn nhà khi bật 30% công suất. Điều này nhằm tái hiện chân thực nhất những gì mà nghệ sỹ/nhóm nhạc đó đã chơi cách đây cả nửa thế kỷ (công nghệ thu analog làm được điều đó). Bây giờ, bạn có cả đống tiền cũng không thể xem họ chơi live nữa.
Có nghe thấy tiếng kẹt cửa phát ra không…
Quay lại việc chơi âm thanh ở Việt Nam. Thật buồn cười khi nghe các “cao thủ” chém gió đi chém gió lại: bộ Tannoy này nghe tiếng kèn “khò khè” ra phết, hay đĩa CD kia nghe với ampli X,Y, Z trong veo… Rồi, đang chăm chú nghe nhạc thì chủ nhân vỗ đùi cái đét: “Đó, đó, có nghe thấy tiếng kẹt cửa phát ra như thật không”. Xin lỗi, nếu thích, tôi sẽ ra tự kéo cái cửa cho nó kêu kèn kẹt, còn thật hơn. Phổ biến nhất mà tôi thấy trong dân chơi hi-fi, hi-end tại Việt Nam là thu thập các loại đĩa giống nhau (chủ yếu là nhạc jazz – chắc vì sang?). Nếu không thì lại mấy cái đĩa very best of dành cho audiophile, có khách đến là bật lên để khoe, khách về là thở phào lôi ngay CD của Bằng Kiều, Lệ Quyên ra nghe. Và vui nhất là có người mạnh dạn hỏi tôi sao nghe Bằng Kiều trong xe hơi hay hơn trên bộ dàn cả tỷ?
Việc này cũng khó trách, do các loại đĩa sau này hầu hết áp dụng công nghệ hiệu chỉnh để nghe hay hơn ở các hệ thống phổ thông. Tôi lại nhớ đến trào lưu phát hành đĩa LP mấy năm gần đây tại Việt Nam! Có lần tôi và bạn mở một LP được quảng cáo là đầu tư rất bài bản, ra nghe được mỗi bài 30-60 giây là phải nhảy sang bài khác vì chán. Chán cả nội dung âm nhạc lẫn chất lượng âm thanh. Kiểm tra lại thông tin thì đúng như phán đoán: thu âm digital tại Việt Nam rồi xử lý master ở nước ngoài để in đĩa nhựa! Các bạn biết về kỹ thuật chắc hiểu rõ việc này cũng chả khác gì cho logo Lexus lên xe công nông.
Thiết bị là để phục vụ nhu cầu nghe nhạc
Theo tôi, người nghe nhạc nói chung nên có một sự tỉnh táo nhất định để nhớ: thiết bị âm thanh là để phục vụ nhu cầu nghe nhạc, tạo cho người nghe sự hài lòng và những trải nghiệm đáng có do bản nhạc mang lại. Để người nghe thấy một bản nhạc hay, theo tôi, có những yếu tố sau đây là quan trọng nhất theo thứ tự giảm dần:
Tâm trạng nội tâm. Nội tâm là phần quan trọng nhất, quyết định đến 80-90% việc bạn sẽ có hay không 1 trải nghiệm âm nhạc tuyệt vời.
Hoàn cảnh xung quanh. Hoàn cảnh ở đây chúng ta có thể là không gian, bạn bè, thời gian trong ngày…
Sự phù hợp của bản nhạc với hai điều trên. Nhiều khi chỉ cần mặc quần shorts, đi bộ nghe loáng thoáng ngoài đường những bài hát thật xa xưa, thời còn niên thiếu trên loa phường là ta thấy xúc động chả kém gì đi nghe hoà nhạc ở nhà hát lớn (nếu không muốn nói là hơn).
Chất lượng bản thu âm. Cần nhớ rõ là bản thu âm tốt nghe lên hệ thống tồi thì không ảnh hưởng lớn, nhưng bản thu âm tồi mà nghe trên hệ thống tốt thì không thể chịu nổi. CD, LP của các danh ca trong nước hiện chỉ phù hợp để nghe giàn âm thanh tốt chứ không thể nghe trên giàn hi-end vì sẽ phô bày hết những yếu điểm của bản thu.
Thiết bị. Ở đây tôi không nói đến việc mua hay phối ghép các hệ thống ra sao, nếu bạn cần thì bạn sẽ tìm ra. Một lần nữa, tôi nói đến sự quan trọng của tính phù hợp. Nên nhớ rằng có đến ba loại thiết bị để nghe nhạc: Home Hi end, Car Audio và Headphones. Biết cách lựa chọn thiết bị phù hợp với mục 4 là thứ kiến thức cực kỳ quan trọng để chơi giàn âm thanh cao cấp.
Mục 1 và 3 đòi hỏi người nghe có sự hiểu biết và rèn luyện tương đối hóc búa, nhất là đối với những người hàng ngày đối mặt với sự bon chen của cuộc sống và công việc kinh doanh. Do vậy, chúng ta thường có xu hướng dùng mục số 4, 5 để bù đắp cho các mục trước.
Đi tìm điều quan trọng
Vậy thiết bị quan trọng hơn hay kiến thức, hiểu biết và nội tâm quan trọng hơn để bạn có thể nghe nhạc hay? Chúng ta hãy quay lại câu hỏi của anh bạn tôi, tại sao nghe Bằng Kiều trên xe hơi hay hơn nghe trên bộ giàn có giá trị khoảng 9 tỷ?
Khi bạn nghe trên hệ thống rẻ tiền của xe hơi, do âm thanh bị méo và sai lệch nhiều, não bộ của bạn tự động tham gia vào quá trình chỉnh sửa âm thanh. Và do bạn chấp nhận từ đầu một cách rộng lượng, rằng chất lượng của âm thanh trong xe hơi chỉ bình thường thôi, tâm của bạn sẽ tập trung chính vào việc truyền tải các cảm xúc do bài hát đưa lại cho bạn. Bạn sẽ quên đi việc phán xét chất lượng âm thanh. Nhờ đó bạn toàn tâm toàn ý thưởng thức bản nhạc hơn.
Khi nghe trên một hệ thống âm thanh đắt tiền, trước khi nghe, não bạn đã chuẩn bị sẵn cho quá trình “soi”. Vì vậy thay vì tập trung để thưởng thức bản nhạc, não bạn sẽ rà soát các điểm yếu của bản thu âm. Tâm của bạn không còn đủ tĩnh để tập trung cho bản nhạc nữa.
Tôi chợt nhớ đến anh bạn khác, không hiểu biết lắm về máy móc và âm thanh, từng phán: “hi-end cũng như đàn bà thôi”. Đúng vậy, chúng ta có thể ngắm và khâm phục các cô hoa hậu quốc tế với các số đo như mơ, nhưng chúng ta hầu hết, sẽ yêu một cô hợp với chúng ta, mà không lựa theo các tiêu chuẩn “kỹ thuật” kia.
Nguồn : ESQUIRE VIỆT NAM/ NGUYỄN HẬU
Leave a Reply