Hiroyasu Kondo: Người tạo nên tên tuổi Audio Note Kondo

Chúng tôi có bài phỏng vấn với ông Hiroyasu Kondo, người sáng lập Audio Note Nhật, một huyền thoại, trong thời gian triển lãm Hi-Fi ’96 tại khách sạn Waldorf Astoria, New York. Điều tự nhiên là mọi người có mặt tại triển lãm đều rất ‘international’. Herb Reichert từ Audio Note New York tìm cho chúng tôi một góc yên tĩnh sau bữa trưa, và chúng tôi ngồi nói chuyện.

Giống như một buổi họp nhóm, ông Kondo ngồi bên trái tôi và Masahiro Shibazaki ở phía đối diện. Masaki Ashizawa của Audio Note với dáng vẻ rất tuân thủ ngồi bên phải tôi (bạn sẽ hiểu điều tôi muốn ngụ ý), còn Kathleen, vợ tôi và Herb ngồi chỗ trống còn lại vừa kín bàn. Shibazaki – chủ tịch Sibatech – công ty nhập khẩu củ loa Lowther và các phụ tùng audio UK khác – làm nhiệm vụ phiên dịch (vì ông Kondo không nói tiếng Anh). Shibazaki có quan điểm khách quan – vì đó chính là anh, sau tất cả, người đặt tên cho ampli Ongaku.

Khi bạn đọc nội dung phỏng vấn, bạn sẽ hiểu được tôi đã đặt các câu hỏi trực tiếp với ông Kondo, nhưng cũng với Shibazaki, vì anh phải làm nhiệm vụ nặng nề là dịch lại các câu hỏi ngụ ý và truy kích của tôi (điều mà anh đã làm rất tốt). Tôi không đưa vào những khoảng thời gian trống khi phải dịch câu hỏi sang tiếng Nhật và dịch lại trả lời bằng tiếng Anh.

Tôi đặt chiếc mic nhỏ và cuộn băng của Sony trước Shibazaki, và hỏi ông Kondo rằng ông đã tham gia vào lĩnh vực audio ra sao…

Masahiro Shibazaki: Kondo nói rằng ông là con trai của một thày tu trong một đền thờ Phật, nơi ông thường nghe bố và các thày tu khác tụng kinh. Âm thanh của những lời tụng kinh đó rất đẹp và ngân vang từ sâu thẳm trong cơ thể ông.

Johathan Scull: Điều này khiến ông theo đuổi lĩnh vực audio và trở nên xuất sắc?

Shibazaki: Ổ, về âm nhạc thì ông chuyển sang say mê opera, điều mà tất nhiên, rất giống với tụng kinh…

Scull: Opera và tụng kinh Phật – sự liên hệ thật đặc biệt mà tôi chưa từng biết…

Shibazaki: Là một thày tu, bố ông rất có tiếng, nhưng cũng tự biết làm một số thứ như ampli. Và Kondo đã chịu ảnh hưởng rất lớn từ bố ông. Ông cũng bị ảnh hưởng mạnh sau khi nghe một buổi biểu diễn năm 16 tuổi. Đó là chương 4 giao hưởng ‘New World’ do Toscanini chỉ huy năm 1953. Ông nói đó là thời hoàng kim của thu âm mà ông đã được nghe khi còn trẻ.

Scull: Điều gì đã xác định thời điểm ông quyết định tự đứng ra sản xuất riêng các thiết bị của mình?

Shibazaki: Ồ, cũng không có thời khắc nào cụ thể cả. Sau một thời gian khi ông thôi việc CBS/Sony vào năm 1976. Đó là một công ty rất lớn nhưng ở đó ông thấy mình không thể thực hiện được giấc mơ xây dựng một hệ thống âm thanh tốt hơn.

Scull: Ông đã làm gì ở hãng Sony, thưa ông Kondo?

Shibazaki: Ông bắt đầu là một kĩ sư thu âm, sau đó cải tiến các thiết bị thu âm.

Scull: Triết lý của Sony là gì, điều khiến ông phiền lòng? Nó khác gì với triết lý của ông?

Shibazaki: Kondo nói câu hỏi này khó quá (cười)

Scull: Cảm ơn ông! (cười) [Kondo nói chuyện với Shibazaki một lát]

Shibazaki: OK, quả thật rất khó dịch, nhưng ở Nhật, nền tảng xã hội là điều gì đó duy nhất. Những thành tựu của một cá nhân có thể bị đánh bại bởi người khác, đặc biệt những hãng lớn như CBS/Sony. Họ sản xuất linh kiện cho thị trường tiêu dùng số đông. Kondo nói với cách này, bạn nhận được âm thanh rất trung bình và không phản ánh cá tính của nhà thiết kế.

Scull: Có lẽ do văn hóa nhóm ở Nhật?

Shibazaki: Vâng, đó là văn hóa Nhật mang tính lịch sử. Thực tế, hầu hết các bạn ông là những ‘con sói’ đơn độc giống như ông, tự điều hành công ty của mình.

Scull: Tôi xin ngắt lời. Ông vừa giải thích về sự khác nhau về triết lý…

Shibazaki: Đơn giản là, ông nói rằng ông đang cố gắng phát triển thứ âm thanh mà ông vẫn ao ước…

Scull: Và điều đó không xảy ra ở hãng CBS/Sony!

Shibazaki: Đó là lý do ông đã… mệt lử, tôi nghĩ anh muốn nói vậy?

Scull: Thế được rồi, bây giờ thì tôi hiểu là, Audio Note làm hầu hết các linh kiện trong thiết bị, vậy cho tôi hỏi về triết lý đằng sau nó là gì?

Shibazaki: Nó là ‘rất đơn giản’.

Scull: Ổ thật tuyệt! [cười]

Shibazaki: Ông không thích các linh kiện do người khác làm, vì những nhà sản xuất đó ưu tiên cho sản phẩm đại trà (phục vụ số đông). Điều ông muốn làm là đạt được âm thanh đặc biệt trong giấc mơ của ông. Hay nói cách khác, ông ưu tiên ‘âm thanh’ chứ không phải ‘hiệu quả của sản xuất’. Điều này tự nhiên dẫn ông tới việc tự sản xuất linh kiện, ví dụ như tụ. Và cuối cùng ông có thể làm hầu hết mọi thứ mình muốn – biến áp, cáp và dây dẫn. Cái ông không làm là ‘trở’ [cười buồn bã]. Ông phải mua ‘trở’ từ người khác. Nhưng ông muốn nói ông muốn tự làm ‘trở’ trong tương lai gần.

Scull: Ông đã đến với hình học tô-pô trong mạch single-end như thế nào? Ông đã bắt đầu với thiết kế push-pull?

Shibazaki: Vâng, thật sự thiết kế đầu tiên là một ampli push-pull dùng đèn 211.

Scull: Điều gì khiến ông chuyển sang single-end?

Shibazaki: Ồ, ampli single-end đã được dân nghe nhạc ở Nhật biết đến từ lâu. Một ngày ông nghĩ đến việc thay đổi thiết kế sang single-end, vì ông bị cuốn hút bởi sự trong trẻo (purity), hay ‘sự dễ bảo’ (obedience) của âm thanh, nếu có thể nói như vậy. [cười]

Scull: Âm thanh ‘dễ bảo’… Tôi muốn hiểu điều này kĩ hơn.

Shibazaki: Nó nghĩa là sự trong suốt hay rõ nét. Ví dụ, thậm chí ở một mức tín hiệu hết sức nhỏ, thiết bị Audio Note vẫn giữ được độ nét (clarity) và trong (transparency). Đó là cách thứ nhất để giải thích điều đó.

Scull: 
Ông đang nói về digital hay analog?

Shibazaki: Ồ, ông nói phẩm chất lớn nhất của audio analog là độ nét (clarity) hay tuyến tính (linearity) ở một mức tín hiệu nhỏ. Điều mà công nghệ digital ngày nay không thay thế được [Kondo nói một chút]. Ông nói ví như bạn nghe piano khi các búa gỗ bọc nỉ đánh lên dây, tiếng piano có thể ‘ngoan ngoãn’ tái hiện lại qua analog, nhưng digital thì không. Âm thanh của các thanh búa bọc nỉ… bạn có thể gần như cảm nhận được dây đàn, và có thể đánh nó. Âm thanh rất, rất thanh nhã. [Kondo nói một chút với

Shibazaki.] Ông nói khi nhạc cụ tái hiện qua các linh kiện digital, người nghe sẽ có cảm giác âm thanh phát ra từ các dây đàn do những thanh búa bằng sắt đánh. Và đó là lý do tại sao single-end lại hơn, vì nó có thể lột tả những sự khác nhau hết sức tinh tế của âm thanh.

Scull: Ông Kondo có thừa nhận những trở ngại của việc tái sản xuất single-end không?

Shibazaki: Chỉ là công suất thấp. Đó chỉ là một khuyết điểm.

Scull: Vì push-pull đánh mất các bậc của hòa âm (order harmonics) và single-end giữ nguyên sự méo (distortion) của hòa âm – cả bậc chẵn và bậc lẻ – ông có nghĩ rằng có thể làm gì để giải quyết điều đó? Ông có thể mô tả sự khác nhau về âm thanh giữa push-pull và single-end?

Shibazaki: Một câu hỏi khó khác, nhưng rất thú vị. Đây là những lời ông nói, từng từ một: Công nghệ push-pull có phẩm chất của nó, tuy nhiên, chỉ khi được thiết kế và sắp đặt đúng, như bạn có thể dự đoán. Bạn biết đấy, đặc biệt những hòa âm bậc lẻ bên trái của push-pull, chúng rất …[lắc tay với vẻ khó chịu]

Scull: Không dễ nghe có phải không?

Shibazaki: Vâng, trong khi hòa âm bậc 2 nghe rất tự nhiên đối với tai người. Push-pull có thể kêu hơi sắc (piercing). Và, trong một ampli single-end được thiết kế tốt, hòa âm bậc 2 hoặc 3 sẽ … được thể hiện một cách êm dịu [cười]. Vâng, êm dịu.

Scull: Có phải single-end khiến ông gần với âm nhạc hơn?

Shibazaki: Vâng, ông lấy ví dụ, ông có thể cảm nhận hơi thở của buổi biểu diễn, của nhạc công hay nhạc trưởng. Ông có thể thật sự cảm nhận sự chuyển động của âm thanh, như vài năm trước đây khi ông chơi piano trong một khán phòng lớn, ông có thể cảm nhận sự chuyển dộng và nghe được âm thanh vang thế nào. Sau đó thì single-end đã đưa ông… [một đoạn dịch dài] cảm nhận tâm trạng của người nhạc sĩ. Scull: !

Shibazaki: Vâng, đó là điều ảnh hưởng tới buổi biểu diễn. Vì vậy ông có thể đoán được nếu một nhạc công violon cãi nhau với vợ đêm hôm trước [cười] Hoặc nhạc công kèn trumpet có gì đó tiếp tục. Ông nói ông có thể cảm nhận cảm xúc của nghệ sĩ, hoặc thậm chí là thời tiết… [cười]. Ông tin rằng ông nhậy cảm hơn người khác về điều này vì ông đã gắn liền với công việc và sự phát triển của các hệ thống microphone.

Scull: Đó là khi ông đang làm việc ở CBS/Sony?

Shibazaki: Không, trước khi đó, khi ông còn là sinh viên. Ông đã tự làm microphones cho mình.

Scull: Đó là loại dùng đèn chứ?

Shibazaki: Đúng rồi, đó là các microphone tụ dùng đèn.

Scull: Ông nói gì về tranh cãi giữa bán dẫn và đèn? Liệu có thể có được âm thanh đẹp đẽ bằng bán dẫn?

Shibazaki: À vâng, rất gần đây ông có cơ hội nghe sự khác nhau giữa một ampli bán dẫn và một ampli đèn, cả hai đều được làm bởi một nhà thiết kế điện tử khác rất nổi tiếng ở Nhật là Kaneda. Điều này rất thú vị đối với ông, và ông nghe được sự khác nhau về âm thanh, như ông mô tả là… ồ, rất khó dịch. Nó như thể âm thanh [từ ampli bán dẫn] làm tức thở, bạn biết đấy…

Scull: Thiếu không khí à?

Shibazaki: Vâng, nhưng cũng là một loại âm thanh sắc nhọn (clipping sound)…

Scull: Đạt tới đỉnh của dải công suất?

Shibazaki: Vâng, nhưng đúng hơn là một loại nén, không có sự kéo dài liên tục (no stretch)

Scull: Nhưng có một vài loại ampli bán dẫn rất khỏe mà trong thực tế không thể ‘sắc nhọn’ được, vì vậy đó không phải là một câu trả lời duy nhất. Âm thanh qua ampli đèn, tất nhiên, thanh nhã hơn.

Shibazaki: Trong một ampli ‘valve’, không có tiếng sắc nhọn, nhưng ông không cảm thấy… [tìm từ]

Scull: Có phải ông muốn nói nó không kêu tệ?

Shibazaki: Đúng rồi, nói chung, ampli đèn có được âm thanh ông mô tả là sâu và lộng lẫy (deep and rich). Và liên tục (stretch). Và khi được hỏi về ampli của Kaneda, đặc biệt là thiết kế đèn, ông nói âm thanh không được tập trung lắm.

Scull: Trong các hệ thống audio ngày nay, âm hình (imaging) được coi là rất quan trọng. Hay nó chính là điểm nét (focus). Nhưng một vài người – như Herb Reichert của công ty ông, lại cảm thấy ông không nên nhìn vào âm nhạc. Phải chăng ông nên nghe và cảm thấy hơn nữa về hòa âm, sự cân bằng tiếng, và đáp tuyến tần số; và âm hình không phải là vấn đề. Điều này khác với đám đông push-pull, những người tin rằng âm hình là quan trọng trong việc tái sản suất audio high-end. Ông ở điểm nào trong chuỗi này? Đâu là điểm tương đối quan trọng với ông về âm hình và điểm nét?

Shibazaki: Có thể nói rằng đối với các nhà sản xuất Nhật là họ đều đặt tầm quan trọng vào đáp tuyến tần số và sự cân bằng tiếng, mà lờ đi âm hình. Kondo nói họ đã sai, vì họ nghĩ giống với các nhà điện học. Họ thiết kế và sản xuất dựa trên lý thuyết. Còn ông thì tự hào là một kĩ sư âm thanh (acoustic). Đó là lý do tại sao ông đặt sự quan trọng lên âm hình hay điểm nét.

Scull: Audio Note Nhật làm các thiết bị rất đắt tiền. Đề nghị giải thích lý do tại sao lại như vậy.

Shibazaki: Cũng đơn giản thôi: đầu tư ban đầu là lớn. Ví dụ như trong trường hợp dây bạc chẳng hạn, khi khởi đầu công việc, không có ai khác làm việc với ý niệm như vậy. Ông thì đã nhập dây bạc từ Ý vì ông biết bạc được dùng nhiều trong các nhạc cụ. Và ông đúng, bạn biết đấy, nó rất tinh khiết. Tất cả điều đó hơi giống với nước khoáng ngày nay – mỗi loại nước đều có thành phần riêng. Do vậy bạn có thể nói ông đã bị dây bạc của Ý cuốn hút bởi thành phần và kĩ thuật tuyệt vời tạo nên sự tinh khiết của nó.

Scull: Điều này có nghĩa audio tốt nhất chỉ dành cho người rất giầu?

Shibazaki: [cười] Ông miễn cưỡng đồng ý, mặc dù ông mong làm những sản phẩm ít tiền hơn để có thể đến được tay nhiều người hơn. Hệ thống sản xuất hiện tại của ông với tất cả các linh kiện đều được làm bằng tay, và ở mỗi bước đều có thể chất của chính nó. Audio Note Nhật thực tế chỉ có hai người thợ để sản xuất các ampli.

Scull: Vậy tất cả có bao nhiêu người?

Shibazaki: Ngoài ông Kondo thì có năm người khác.

Scull: Những phẩm chất nào ông cần cho thợ của mình?

Shibazaki:
 Yêu cầu của một người làm ampli tốt là phải có nhân cách, đặc biệt là phải biết tuân thủ! [Ông cười và nhìn Masaki Ashizawa trẻ tuổi, người đang chăm chú nghe và chụp nhanh] Nói cách khác, mục đích của Audio Note Nhật là trở thành nhà sản xuất giống như công ty Morgan của Anh. Họ làm ô tô bằng tay, mỗi người thợ đều rất tự hào về việc sản xuất những xe đó. Đó là mục đích của Kondo. Ông nói bằng nhiều cách, cũng giống như Dusenberg danh tiếng. Chúng tôi thỉnh thoảng so sánh điều chúng tôi làm với một công ty trong quá khứ – với nỗ lực ở những nơi bất cứ thứ gì được làm hay có thể được làm.

Scull: Tôi nghĩ hầu hết người Mỹ hình dung Nhật là một nước toàn những loa kèn và ampli single-end, nhưng rõ ràng không phải như vậy. Khi Audio Note chuyển sang thiết kế single-end, ông có chịu nhiều sự phản đối ở nhà? Hay Nhật là nước luôn cởi mở với các ý tưởng mới?

Shibazaki: Không cởi mở đâu, vì thị trường Nhật hướng về các ampli công suất lớn. Một số người nghe nhạc cũng phản đối ý tưởng của ông, hoặc như tôi nói, nhìn chung là họ chống lại ampli single-end. Thị trường cho nó vẫn khá nhỏ.

Scull: Điều gì khiến ông tự tin và có sức mạnh để theo đuổi?

Shibazaki: Vì Audio Note được ủng hộ bởi người nghe ở các nước khác hơn là ở Nhật [cười] Chúng tôi rất ‘nước ngoài’!

Scull: Aha! Sự ủng hộ lớn nhất từ đâu vậy?

Shibazaki: Pháp.

Scull: Tất nhiên…. Tại sao ông nghĩ single-end lại chậm được chấp nhận ở Mỹ hơn ở nơi khác?

Shibazaki: Thật ra, ông muốn nói nó sẽ phát triển nhanh như ông mong đợi. Trong thực tế, nên tốn chút thời gian ở đây.

Scull: Tại sao vậy? Có phải do ở đây các ampli push-pull công suất lớn dễ được chấp nhận hơn, và rằng ampli single-end công suất nhỏ yêu cầu sự giáo dục, thời gian và nhậy cảm?

Shibazaki: Ồ, Kondo nói nó mới chỉ là cơ hội để thực nghiệm. Và rằng, còn do sự co lại của thị trường đèn trên thế giới.

Scull: Vâng, nhưng điều cụ thể về người Mỹ có phải là họ thích âm thanh công suất lớn, và sự khác nhau về độ nhậy cảm của những người chơi single-end là gì?

Shibazaki: Vâng, ông nói, sự thật là hầu hết người Mỹ thích âm thanh mạnh và nặng. Nhưng Kondo cũng biết rằng ở Mỹ có nhiều người nghe rất nhạy cảm, những người có thể đến với single-end (như họ đã đến với Volkswagen Beetle; khi lần đầu tiên được giới thiệu, nước Mỹ đã không hề chấp nhận nó).

Scull: Không dây bạc ….

Shibazaki: Đúng rồi! [cười] Nhưng Volkswagen đã ngắm đúng thị trường – ví dụ những học giả như bác sĩ và luật sư là những người có nhân cách riêng. Nhưng, ông nói, phần lớn mọi người đều rất thiếu nhạy cảm, và họ giống như bam-bam, âm thanh mạnh. Scull: Khi chúng tôi chơi hệ thống Audio Note ở nhà, có phải chúng tôi đang cố gắng tái tạo băng gốc hay nhạc gốc? Theo ông thì mục đích của hệ thống high-end là gì?

Shibazaki: [sau một cuộc bàn bạc dài nhất giữa hai người] Ông nói rằng đây quả là câu hỏi khó, nhưng cũng là một câu hỏi tuyệt. Ông cảm nhận điểm để tái tạo băng gốc, nhưng cũng là để tái tạo sự kiện sống. Thậm chí cả cảm giác chuyển động…

Scull: Mmmm…tôi muốn hỏi theo cách khác: nếu ông đi bộ trên phố và ngang qua một cửa số mở của một căn phòng có người nhạc sĩ đang chơi đàn, thì ngay lập tức nó nói với ông điều gì – mà không cần nhìn – rằng đó có phải là ‘sống’ không?

Shibazaki: Ông nói rằng… những âm thanh đặc trưng (particular quality) thì không thể tái tạo lại.

Scull: Bất cứ hệ thống nào?

Shibazaki: [cười] Vâng, thậm chí với các ampli của Audio Note. [lại trao đổi dài] Điều mà các nhà thiết kế thiết bị audio làm là ‘bóp méo’ (deform) một vài chỗ chơi lại và thổi phồng vài chỗ khác, hiểu rằng một số yếu tố quan trọng có thể phải hy sinh. Do vậy với việc bóp méo hay thổi phồng, thì không còn là 100% bản gốc nữa. Nhưng ở khía cạnh nào thì ông cũng có công nghệ để giải quyết [cười] – câu dịch rất buồn cười, xin lỗi nhé.

Scull: Xin cứ tiếp tục, Shibazaki – anh đã làm rất tuyệt để chuyển tải các suy nghĩ của ông với chúng tôi. Thật đấy.

Shibazaki: Cảm ơn. Như vậy, một trong những đích của ông – thực tế là ước mơ – là tái tạo lại buổi biểu diễn của Toscanini ông nghe năm 1953 ở Carnegie Hall.

Scull: Thật tuyệt vời để theo đuổi ước mơ. Tôi không muốn bất lịch sự, nhưng câu hỏi lúc nãy của tôi vẫn chưa được trả lời: nếu ông đi bộ qua cửa sổ đó, điều gì nói với ông là thật? Đó là độ động (dynamics), âm sắc (timbre), màu âm (tonal color), hòa thanh (harmonics) hay thứ gì khác?

Shibazaki: Ổ, ông trả lời câu hỏi theo cách thế này: Ông nói không chỉ là Audio Note Nhật, mà tất cả các nhà sản xuất audio không thể tái tạo được tiếng bass đủ sinh lực (full energy bass). Khi bạn cảm thấy thiếu sinh lực trong tiếng bass, đó là lúc bạn biết nó không phải là thật như thế nào.

Scull: Tất nhiên có rất nhiều hệ thống với tiếng bass mạnh và lớn. Nhưng chúng không cần thiết phải thật lắm…

Shibazaki: Okay – đây là lời nhận xét của tôi về điều này: bản thân tôi là một nhạc sĩ amateur. Và tôi có thể cảm nhận khi tôi nghe nhạc sống – đó là sinh lực, hay áp lực mà tôi có thể cảm nhận hết trên da tôi…

Scull: Và đó là điều mà các hệ thống audio không dễ dàng chuyển tải? Audio Note Nhật đã chuyển tải điều đó chứ?

Shibazaki: Ông nói, được 95%. [cười]

Scull: Tôi chú ý thấy ông Kondo lúc trước có nói tới loa kèn. Tôi được biết từ Herb là Audio Note cũng làm loa kèn, nhưng chúng rất đắt, thậm chí trong khái niệm của Audio Note. Hầu hết các loa kèn ở đây là moving-coil (cuộn dây chuyển động) và là loại dynamic-driver (loa điện động). Liệu loa moving-coil có âm thanh tốt, hay loa kèn là người đồng hành tự nhiện duy nhất của single-end? Và nếu vậy, tại sao ông không làm loa kèn ít tốn kém hơn?

Shibazaki: Anh biết đấy, ông nói chúng tôi đã tham gia nhiều hội chợ audio trên thế giới – bao gồm của hội chợ Budapest 1995 – và cho tới giờ chúng tôi cũng chỉ có hai cơ hội dùng loa kèn để trưng bày. Nhưng Kondo cảm thấy hệ thống loa kèn vẫn có một vấn đề nhỏ ở kèn dải trung.

Scull: Vấn đề đó là gì vậy?

Shibazaki: Ông nói nó kêu như thế này…[lấy tay khum thành hình chén trước mồm]

Scull: Vâng, tôi hiểu rồi – âm mũi. Hay “khứu giác của kèn” (horn smell) như một nhà sản xuất Nhật khác đã nói một cách hài hước gần đây.

Shibazaki: 
Tôi thì mô tả nó như là âm ‘nhựa’. Đặc biệt khi kèn được làm từ nhựa! Và một vấn đề khác nữa là tính định hướng (directionality) của dải tần số cao. Vì Kondo cảm thấy rằng, một cách lý tưởng là một loa chuyển tải âm thanh từ một màng chắn đơn (single diaphragm). Từ tần số thấp tới cao, mọi phần của tín hiệu sẽ đến từ loa đơn đó.

Scull: Giống như của loa Lowther? Herb Reichert: Vâng. Trên thực tế Kondo đã làm loa với củ loa đơn (single-driver).

Shibazaki: Đúng đấy, khi một loa nón đơn (single-cone) được ghép với một ampli single-end tốt, nó tạo ra âm thanh tốt nhất hơn mọi sự phối hợp khác.

Scull: Hãy cho phép tôi hỏi một câu hỏi khó khác…

Shibazaki: [cười]

Scull: … về ý niệm chính xác và nhạc tính trong tái tạo âm thanh. Hầu hết mọi người đều liên tưởng sự chính xác với bán dẫn – nhiều chi tiết, âm thanh rất sắc bén. Nhưng vài người lại nghĩ điều đó không giống với âm nhạc. Cũng có người nghĩ nhạc tính là mọi thứ, và chỉ trích âm hình! Nhiều người nói về hai phẩm chất này khá tách biệt nhau. Vậy chúng là hai, hay chỉ là một thứ? Ông có thể có cả hai chứ? Kondo nghĩ gì về điều này?

Shibazaki: Khi còn là một kỹ sư đơn lẻ, giống như ông Kondo, tôi làm mọi thứ trong một chuỗi playback, và trong trường hợp đó, độ chính xác và nhạc tính đi với nhau. Các nhà sản xuất thị trường số đông khác có rất nhiều kĩ sư và nhà thiết kế có ý tưởng về mọi thứ được làm ra sao, và cũng luôn luôn có tranh luận và tranh cãi. Thực tế, đó là lý do tại sao ông sẽ lại thách thức họ bằng việc sẽ làm các microphones của ông trong tương lai gần.

Scull: Và bằng cách quán xuyến toàn bộ công việc, ông có thể có được âm thanh với cả hai tiêu chí chính xác và nhạc tính?

Shibazaki: Vâng. Anh có thể đưa ra một từ tiếng Anh mô tả điều đó? Không phải là tính đối ngẫu (duality), mà là….

Scull: Sự hợp nhất (Fusion)?

Shibazaki: Ổ, rất tuyệt – một sự hợp nhất của độ chính xác và nhạc tính. [cười]

Scull: Hoặc là sự phân đôi (fission)…tùy thuộc anh đang nói tới ai. Hãy nói cho tôi, có phải audio high-end đang có ‘sức khỏe tốt’ trên thế giới, hay ông Kondo cảm thấy Home Theater (rạp hát trong nhà) làm hại tới nó?

Shibazaki: Ông nói chúng đang cạnh tranh nhau quyết liệt. Ví dụ như TV và các radio xách tay luôn rớt giá, trong khi audio high-end thì giá tăng vọt, một cách vững vàng, khỏe khoắn, chậm nhưng theo hướng đi lên!

Scull: Vì vậy hẳn chúng tôi không nên mong đợi Home Theater từ Audio Note Nhật! Nhưng liệu stereo và video cùng tồn tại với nhau theo cách nào đó không? Hay chúng luôn tách rời nhau?

Shibazaki: Ồ, một người thuần túy sẽ phải có một phòng với Home Theater, và phòng khác với hệ thống âm nhạc.. không bao giờ đi cùng nhau! [cười trong khhi Kondo giải thích gì đó thêm] Ông nói trong tương lại chúng cũng sẽ không bao giờ đi cùng nhau, vì việc nghe bằng tai thật sự tăng sức mạnh của trí tưởng tượng. Và đó không phải là trường hợp của Home Theater. [Kondo, cười và nói gì đó khá dài với

Shibazaki. Ông cử động một cách thoải mái, giọng nói nhỏ] [cười] Vâng, đúng đấy… ông đang nói kinh nghiệm của ông, anh biết đấy. Ông nói ông cảm thấy vui thích hơn khi nghe âm thanh của một cuốn phim khiêu dâm hơn là xem nó [cười] Ông nói ông có thể thưởng thức tốt cả Home Theater và audio high-end. Thực tế, ông ngắm nghía các đĩa laser trong hệ thống nghe-nhìn kết hợp (audio-visual)…

Scull: Kondo có hệ thống Home Theater ư? Thật nhạc nhiên quá…!

Shibazaki: Ổ vâng, ở phòng nghiên cứu của ông. Ông nói ông ‘chuyển công tắc não’ khi ông xem để thưởng thức các yếu tố hình ảnh. Vì ông không mong đợi nhiều về khía cạnh audio từ hệ thống đó.

Scull: Aha! Khi ông ngồi trong bóng tôi và nghe hệ thống audio, hãy nói cho tôi, trong tâm trí ông, có phải ông đang ‘xem’ âm nhạc?

Shibazaki: Xem ư, phải rồi. Thật sự ông ngồi trong bóng tối với một cây nến, và ông tập trung – với đôi mắt nhắm – vào ánh sáng như ông nghe. Khi đó âm thanh hiện hình (visualized).

Scull: Trong Home Theater, ông đang nắm thị giác trong một chiếc đĩa, và audio có thể ít lý tưởng hơn. Còn trong phòng tối và nghe hệ thống high-end, ông có thể ‘nhìn’ mọi thứ, nhưng chúng ở trong tâm trí ông. Liệu điều này có nâng cao kinh nghiệm của ông theo cách nào đó? Có thể là Home Theater … quá dễ? [Câu hỏi này khiến Kondo và Shibazaki phải tranh luận một lúc]

Shibazaki: Đây là trường hợp hiếm hoi, nhưng nó cho thấy cảm giác của ông về điều đó. Ông thích film của Kurasawa có tên “Bảy vị Samurai” (The Seven Samurai). Có một cảnh nơi samurai diễu hành. Nhưng hình ảnh trên màn hình không chỉ ra một samurai nào cả, chỉ là những cái bóng của họ. Nhưng điều ông nhìn trong tâm trí không phải là những cái bóng, cũng không phải là cây, mà là samurai!

Scull: rất tao nhã…

Shibazaki: Và thậm chí, ông nói, điều mà các samurai đang nghĩ!

Scull: Ồ, nếu hệ thống đủ tốt ông có thể nghe được suy nghĩ của các samurai, nó phải là một trong tất cả – hệ thống Audio Note!
Shibazaki: Vâng! [cười]

Scull: Khi thế hệ người nghe nhạc tương lai nghĩ về Kondon – khi họ nhìn lại và dẫn tên ông – ông muốn họ hiểu điều gì về âm nhạc và audio? Ông muốn để lại điều gì?

Shibazaki: Ông nói rằng, trong vòng mười năm kể từ ngày hôm nay, tên của Audio Note sẽ xuất hiện nhiều hơn trên thế giới. Ông tự tin tiếp tục phát triển các sản phẩm mới như loa, microphones, CDs của ông, thậm chí đầu băng, và nhiều thứ khác. Khi ông thiết kế toàn bộ các sản phẩm từ đầu tới cuối, khi đó mọi người sẽ thật sự đánh giá được âm thanh của Audio Note. Ông nói chúng tôi vẫn mới chỉ ở giữa đường.

Scull: Thưa ông Kondo, xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho chúng tôi. Và Shibazaki thân mến, anh dịch thật là tuyệt vời.

Shibazaki: [cười] Thật là lần đầu chúng tôi có một buổi phòng vấn sâu sắc đến vậy. Tôi chưa bao giờ nghe Kondo hé lọ nhiều suy nghĩ riêng tư như vậy, đặc biệt là liên quan tới triết lý của ông.

Scull: Xin cảm ơn. Thật là vinh dự được nói chuyện với tất cả mọi người ngày hôm nay.

Chú thích của người dịch: Bài phỏng vấn trên được Jonathan Scull thực hiện năm 1996 là thời điểm hoàng kim của CD, còn đĩa nhựa vinyl ở Việt Nam lúc đó chủ yếu do những người đi làm việc và học tập ở nước ngoài mang về bị ‘xếp xó’. Rất tiếc ông Kondo đã qua đời tháng 1/2006 khi tham gia Triển lãm Điện tử 2006. Người kế thừa chức chủ tịch công ty hiện nay là Ashizawa, nguyên thiết kế trưởng của ông.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*