Paragon là chiếc loa huyển thoại của JBL. Ra đời năm 1957, thời đầu nó dùng củ bass 150-4 tới năm 1960 chuyển sang củ LE15. Từ năm 1960 đến 1979, cấu hình căn bản của Paragon được giữ nguyên. Năm 1979, củ loa LE15 Alnico được thay bằng phiên bản LE15H sử dụng nam châm ferrite. Năm tiếp theo, củ mid kèn 375 được thay bằng chiếc 376, sử dụng màng rung mới có viền nhún cấu trúc kim cương.
Chiếc Paragon cuối cùng được chế tạo vào năm 1983. Sản lượng đạt đỉnh điểm 5 chiếc một tuần vào những năm 1960 và giảm xuống khoảng một đến hai chiếc một tháng vào những năm 1980. Bất kể thế nào, nhu cầu thị trường giảm không phải là nguyên nhân khai tử nó. Mặc dù thấp, thực ra nhu cầu ở mức này vẫn ổn định và đem lại lợi nhuận cho JBL.
Vấn đề nằm ở chỗ người duy nhất chịu trách nhiệm lắp ráp tất cả những chiếc Paragon vào thời điểm đó nghỉ hưu. Số lượng sản phẩm nhỏ có nghĩa là Paragon luôn được lắp đặt theo cách thủ công, mà lắp bên ngoài nhà máy. Vì thế, JBL chưa bao giờ tạo ra các hồ sơ bản vẽ thi công. Sơ đồ cho những người chơi lắp tại nhà thì có, nhưng quy trình sản xuất không được ghi lại và kỹ năng chuyên môn làm việc đó đã ra khỏi cửa công ty cùng với nhân viên cuối cùng nghỉ hưu.
Việc tiếp tục sản xuất Paragon đồng nghĩa với việc đưa nó khỏi những xưởng thủ công trước đây và đưa vào môi trường sản xuất nhà máy. Chi phí cho việc làm này sẽ cao quá mức và JBL quyết định dừng sản xuất Paragon.
Arnold Wolf và Richard Ranger chính là những người đã thiết kế ra loa Paragon cho JBL. Arnold sinh ngày 30/4/1927 tại San Francisco. Ông có bằng cử nhân nghệ thuật, chuyên ngành thiết kế sân khấu, Đại học California tại Berkley. Còn Richard Ranger là một kỹ sư điện nổi tiếng và chủ sở hữu Rangertone Corp.
Thành công của dự án loa Paragon làm cho Wolf trở thành nhà thiết kế kiểu dáng công nghiệp chính cho JBL trong 13 năm tiếp theo. Danh sách những thành tựu của ông trong khoảng thời gian đó bao gồm logo màu da cam nổi tiếng hiện nay của JBL, chiếc L100, bộ khuếch đại SE và bộ loa monitor chuyên nghiệp 4310/4320.
Năm 1970, Wolf trở thành Chủ tịch của JBL. Trong chín năm tiếp theo, ông giữ một vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt công ty qua một trong những thời kỳ tăng trưởng bùng nổ nhất. Ông nghỉ hưu vào năm 1979 và quay lại vùng San Francisco.
Chiếc Paragon được thiết kế nhằm mục đích để thăng hoa danh tiếng của, bằng một thiết kế có tính “tuyên ngôn”, trình diễn công nghệ mới nhất. Nó dựa trên một ý tưởng chưa từng có, sử dụng một tấm cong phát tán sóng âm, để tạo âm hình stereo rộng nhất. Wolf và Richard Ranger mô tả Paragon như sau:
“Phương pháp stereo thông thường sử dụng hai thùng loa cách nhau khoảng 2,5 đến 3m gì đó đồng nghĩa với việc người nghe phải đặt ghế của họ trên đường thẳng nối trục của hệ thống này, ngồi tại điểm ngọt để cảm nhận được âm thanh stereo. Đó là vì chỉ dọc theo trục đối xứng này, hiệu ứng stereo của hai loa mới nhất quán. Khi người nghe di chuyển ra khỏi trục, cường độ âm thanh mỗi bên loa giảm nhanh theo khoảng cách, và ở khoảng cách càng xa, âm thanh nổi càng bị chiếc loa gần hơn lấn át. Điều này có thể tránh được bằng cách chiếu sóng âm từ mỗi chiếc loa lên một bề mặt cong, đóng vai trò như một thấu kính lồi cho âm thanh. Vật phản xạ lồi này giúp hạn chế sự rõ ràng của trục đối xứng mà những thay đổi vị trí nhỏ nhất của người nghe cũng gây ra xáo trộn lớn.”
Sự ra mắt của Paragon đã nhận được sự khen ngợi rộng rãi từ cả những người nghe và giới báo chí. Danh tiếng của Paragon vượt ra khỏi thị trường hi-fi, mà nó còn được trưng bày như một kiệt tác nghệ thuật tại một triển lãm của Viện bảo tàng Nghệ thuật Pasadena.
Trong 26 năm tiếp theo, Paragon thống trị trên đỉnh cao của các dòng sản phẩm JBL. Cho tới ngày nay, nó vẫn là hệ thống loa được thèm muốn nhất mà JBL từng sản xuất, với mức giá trên thị trường sưu tập ngày nay lớn hơn giá bán ban đầu gấp 10 lần.
Leave a Reply