Tôi đến với thú vui audio không hề tình cờ như mọi người, audio có trong máu thịt tôi từ thuở nhỏ.
Năm 1988, khi đó tôi mới 13 tuổi, là một thằng nhóc lớp 7 tò mò và nghịch ngợm, bố tôi mua về nhà một bộ dàn gồm có 1 chiếc đầu phát băng cassette chuyên dùng trên ôtô, 1 cái ampli Sansui có 2 đồng hồ VU kim vẩy và một đôi loa Pioneer CS77 danh giá. Ngày qua ngày, nghe chán Thanh Tuyền, lại Chế Linh, rồi Ngọc Lan, tôi chuyển sang trò khảo sát hoạt động của ampli. Tôi rút ra, cắm vào mấy cái giắc đằng sau ampli đến khi thuộc lòng đâu là Tuner, Tape, Aux… Rồi tới trò ghi âm, sang băng cassette cho hàng xóm tôi cũng thông thạo. Tôi học lỏm bác hàng xóm cách chỉnh đầu từ cho tiếng phát ra từ cassette trong và nét, rồi tăng bass, giảm treble.
Bẵng đi thời gian dài cắm đầu vào học, rồi thời đại học với nhiều thú đam mê khác, tôi quên mình có audio…. và cuộc sống cơm áo gạo tiền cuốn trôi thời gian. Đến một ngày xuân năm 2000, đúng hơn là một dịp đi chơi chợ vùng biên Lạng Sơn cùng gia đình, tôi nhìn thấy cặp loa JBL Control III nằm lăn lóc tại 1 quán bán đồ điện tử cũ bên kia biên giới. Và tôi đã mua cặp loa ấy với một ngưỡng mộ dòng loa danh tiếng JBL chưa từng 1 lần được nghe.
Và con đường trở lại audio của tôi đơn giản và nhẹ nhàng như thế. Một đầu đĩa DVD Qisheng đời đầu, một ampli Tiến Đạt vừa karaoke vừa nghe nhạc, cặp loa JBL nhỏ xíu, trong 1 căn phòng khách 16 m2. Điển hình cái nghèo túng của chàng kỹ sư mới ra trường 3 năm thèm khát audio và âm nhạc. Tôi và vợ tôi đã nghe bộ dàn ấy tới gần 3 năm không thể nghĩ tới việc nâng cấp hơn, đơn giản vì tiền lương kiếm được chỉ đủ cho nhu cầu cá nhân và trả nợ anh em bạn bè và gia đình.
Thế rồi thời khốn khó cũng qua, và nhờ thế mà cơ hội chơi audio cũng mở rộng với tôi, kẻ đam mê tham lam! Món đồ thực sự đáng giá mà tôi đã mua, còn giữ trong nhà đến giờ không bán, chính là chiếc ampli DENON AVR-3200. Thực ra nó là một cái receiver tích hợp nhiều tính năng như thu radio, chuyển mạch vào ra, và đặc biệt là có bộ giải mã (DAC) chuẩn Dolby-Digital (AC3), giúp tôi xem phim DVD có âm thanh lập thể 5.1 chuẩn mực. Vậy là đầu DVD Qisheng lại làm tốt sứ mạng của mình cùng với DENON AVR-3200 và dàn loa 5 kênh JBL Control 3/JBL Center (tự đóng thùng/DIY) và chiếc siêu trầm đầu tiên KENWOOD đèn dọc 60W. Kể cũng lạ là lúc đó chỉ thích nghe tiếng máy bay trực thăng trong ROBOTCOP III chứ quên bẵng âm thanh stereo của Celine, Witsney Houston. Tôi bay bổng cùng âm thanh vòm 5.1, tiêng bom nổ rung nhà và ù tai tức ngực (bây giờ mọi người gọi là bass dài đuôi!!!!). Hàng xóm khen hay, bạn bè khen hay và lạ, vậy là sướng!!!
Lại nhớ, Tôi ngày xưa đơn giản và ngây thơ với audio đến thế!
VẠN SỰ KHỞI ĐẦU NAN
Nếu ai đó đã từng chơi Audio sẽ có lúc ngộ ra rằng đó là một thú chơi có nhiều ngã rẽ : Có thể lên tới thiên đường và cũng có thể là địa ngục. Các cụ nói « Nghề chơi cũng lắm công phu » là thế, chơi là để thoả mãn trí tò mò muôn đời của con người, chơi là để cảm nhận và trải nghiệm, chơi cũng là liệu pháp giảm stress cho cuộc sống hối hả nơi thị thành.
Trong cuộc chơi Audio, người chơi không chỉ có cơ hội tìm hiểu những sáng tạo kỹ thuật về thiết bị Audio (phần cứng), vốn đa dạng về chủng loại và phong phú về phong cách, mà còn có dịp tận hưởng kho tàng nghệ thuật âm nhạc khổng lồ của nhân loại qua các tác phẩm kinh điển của Mozart, Beethoven, Haydn hay các phong cách đương đại như Michael Jackson, Beatles (phần mềm)…
PHẦN CỨNG và PHẦN MỀM
Những người lần đầu tiên bước vào Audio mà tôi từng biết, ai cũng hỏi tôi 1 câu : Mua món đồ Audio này công suất mấy trăm W? Có đáng giá không? Nghe nó có kêu lớn không ? Tiếng trầm có tức ngực ù tai không? Đó là cách tiếp cận chơi audio thông thường, nhưng cách này dễ làm cho bạn mất phương hướng, hay tệ hơn là mất nhiều tiền bạc mua máy mà chẳng bao giờ tìm thấy «thiên đường» của mình. Thay vì theo cách đó, hãy dành 1 chút thời gian nghiên cứu và tự hỏi mình 4 câu hỏi như sau :
- Câu hỏi 1: Mình thích nghe loại nhạc gì nhất vậy ?
Nhạc mạnh, rock metal, rock ‘n roll, pop ; Nhạc cổ điển, giao hưởng, nhạc vàng, tiền chiến…. hay chọn lấy số ít thể loại mình thích nghe và có thể nghe lâu nhất. Đó mới là mục đích cuộc chơi của bạn. Tôi có những người bạn chơi còn sở thích kỳ quặc hơn, đó là họ chỉ nghe những âm thanh lạ như tiếng chuông nhà thờ, tiếng kính vỡ, tiếng còi tàu thuỷ, hay tiếng một người giọng nam trầm tự sự. Bạn sẽ không ngạc nhiên nếu bạn cũng thích như thế ở những ngày đầu tập chơi Audio.
Trả lời đúng câu hỏi này, bạn sẽ rút ngắn được quãng đường của mình 1 nửa. Tin hay không tuỳ bạn ! Có câu trả lời, hãy bắt đầu câu hỏi thứ 2 :
- Câu hỏi 2: Mình sẽ nghe nhạc ở đâu ?
Nghĩa của câu hỏi này đơn giản là bạn tính sẽ đặt bộ dàn âm thanh của bạn ở đâu để nghe nhạc. Có bạn thích nghe nhạc trong 1 phòng riêng biệt, cũng có bạn thích nghe nhạc trong phòng ngủ, trong phòng khách chung, hay trong kho áp mái. Mỗi nơi kể trên đều có ưu nhược điểm và đặc biệt là diện tích phòng khác nhau, từ rất chật 3-5m2 tới quá rộng 30-50m2.
Những đặc điểm của phòng sẽ là căn cứ để bạn quyết định chọn loại loa, công suất phát của bộ dàn cũng như khoảng không để bố trí các thiết bị và đi dây dẫn. Không thể chọn cặp loa TANNOY Autograph (dung tích thùng 400L) cho căn phòng 10m2 và ngược lại là chọn loa bookshelf như Dynaudio Contour cho sảnh lớn 40m2 vì điều đó làm lãng phí tiền bạc. Nhiều người gần đây thích chơi ampli đèn điện tử, nhưng lại bày nó ở phòng sinh hoạt chung nơi có nhiều trẻ con đùa nghịch, bọn trẻ có thể làm hỏng ampli đèn của bạn hoặc tệ hơn là gây thương tích cho chính chúng. Hãy tìm nơi khác, hoặc thay bằng ampli bán dẫn an toàn hơn!
Trả lời xong câu hỏi này, bạn đã có thể hình dung ra bộ dàn trong mơ của bạn rồi đấy !
- Câu hỏi 3: Ngân sách đầu tư của mình cho bộ dàn trong mơ là bao nhiêu $ ???
Mình có bao nhiêu tiền để mua sắm, điều này có vẻ dễ dàng bởi chỉ là 1 con số, bạn nghĩ vậy ?? Tôi nói là bạn đang nghĩ sai đấy ! Tại sao ư ? Là vì ham muốn của mỗi người bao giờ cũng nhiều hơn thực lực. Ví dụ của chính tôi thuở ban đầu đây nhé:
Tôi có 10 triệu đồng trong tài khoản và quyết định mua 1 bộ dàn hoàn chỉnh. Tôi lượn vòng trên mạng và offline rồi quyết định tìm mua đầu đĩa CD trước. Nguồn âm là quan trọng mà ! Tôi «kết» 3 chiếc CD player của 3 nhãn hiệu danh tiếng (tất nhiên là đồ 2nd hand):
– SONY 333ESJ : 1.9 triệu ;
– PIONEER PT05 : 2.8 triệu ;
– MARANTZ CD63 : 3.5 triệu ;
Với ngân sách của mình, ngay lúc đó tôi nghĩ rằng nên mua SONY là hợp lý. Vậy là xong ! Xong ư, hãy ngủ 1 đêm đã bạn sẽ bị dằn vặt, so sánh, nghĩ ngợi và rồi đắm đuối cái….MARANTZ với giá 3,5 triệu. Tôi hài lòng với quyết định vác MARANTZ, nhưng đương nhiên chỉ còn 6,5 triệu trong túi. Tương tự như thế, một chiếc ampli LUXMAN LV105 được tôi vật vã suy tư trong đống 6 cái amp các loại và 3,5 triệu nữa đi đời. Kết luận của bộ dàn nghe nhạc đầu tiên là 13.7 triệu (vượt chỉ tiêu 37%).
Không dễ kiểm soát mình với lượng hàng audio nhan nhản trên các shop mời gọi, các bạn chắc cũng sẽ cũng giống tôi mà thôi !
- Câu hỏi 4. Gu chơi của bạn theo hướng nào ?
Có người bạn tôi khoái đồ cổ, người chơi khác thích bộ dàn của mình trông bóng bẩy hoành tráng, có anh lại mê sự đơn giản không màu mè. Một bộ dàn âm thanh 2 kênh có thể chỉ gồm loa và 1 ampli tích hợp (integrated) cả đầu đĩa, cassette hay cũng có thể lố nhố 10 thiết bị khác nhau với cả đống dây nhợ nếu chơi theo lối active crossover cắt 3-4 dải, đầu đĩa có DAC/Transport rời. Xác định mình thích cái nào, cần thời gian nghiên cứu và nghe thử, đi theo các bậc trưởng lão đi trước rồi tự mình đưa ra quyết định.
- Câu hỏi 5. Bạn cần gì nữa để bắt đầu?
– Tạp chí chuyên đề : Nghe nhìn Việt Nam, Điện tử tiêu dùng, Stereophile (tiếng Anh), Audiophile (tiếng Anh)…
– Internet : Có nhiều site rất thú vị và tiện ích
- http://www.vnav.vn
- http://www.diyaudio.com
- http://www.hilberink.nl/speaker.htm : Chuyên loa Tannoy cổ
- http://www.hifido.co.jp : Các đồ audio cổ và mới của Nhật Bản
- http://forums.audioholics.com/forums: Diễn đàn chơi Home Theater
– Những người bạn cùng sở thích
Lời khuyên chân thành: Hãy mở rộng giao lưu vì :
- Bạn sẽ được nghe những bộ dàn âm thanh đỉnh cao .. miễn phí!! được chia sẻ những thông tin chưa từng biết, hiểu thêm về phong cách chơi, định hướng phát triển, cập nhật công nghệ mới và có những trải nghiệm vô giá.
- Những người đi trước luôn muốn giúp đỡ những người mới có chung sở thích và đam mê giống họ. Tôi từng gặp những bác từng cho người bạn mới tập chơi mượn “dài hạn” các thiết bị họ sở hữu có giá hàng ngàn đô la, không bán cho ai bao giờ.
Hoàng Kim Thiện
Leave a Reply