Get Better Sound – Để có âm thanh tốt hơn

Tôi từng hỏi hàng trăm audiophile, “Bạn có nhớ những cảm xúc mà bạn có khi trực tiếp tham dự một buổi hòa nhạc? Qua ngày hôm sau bạn có vẫn còn nhớ những cảm xúc đó?” Và tôi luôn nhận được những cái gật đầu, bất kể đó là cuộc đối thoại cá nhân hay trong một buổi thuyết trình. Nhưng điều đó thì có liên quan gì đến việc cải thiện bộ dàn âm thanh chứ?
Rồi tôi hỏi: “Các bạn có trải nghiệm những cảm xúc tương tự khi nghe nhạc qua hệ thống âm thanh ở nhà? Các bạn có cảm thấy dư âm của cảm xúc âm nhạc vào ngày hôm sau?” Câu trả lời là những ánh mắt hoài nghi, hầu như không ai nghĩ điều đó có thể xảy ra, lại càng không nghĩ đó chính là mục đích tối hậu và hoàn toàn có thể đạt được.

Toàn bộ cuốn sách gồm 200 mẹo/kỹ thuật (nguyên văn: tip), trong đó có những mẹo viết cho người mới nhập môn, có những mẹo hướng đến những người đọc có trình độ và kinh nghiệm trung bình trong lĩnh vực audio và có những mẹo dành cho những audiophile giàu kinh nghiệm. Tuy nhiên, về tổng quan, tập hướng dẫn này được viết và minh họa với ít thuật ngữ kỹ thuật nhất trong chừng mực có thể, với mục đích giúp mọi người đọc khai mở tiềm năng hiện hữu của hệ thống âm thanh đang có. Đây không phải là sách mô tả nguyên lý hoạt động của các thiết bị, đã có rất nhiều sách loại đó trên thị trường rồi.

Mua sách Online tại đây:

(Bản dịch giới thiệu của Tuấn – TP HCM 0903929390 )

TIP #2: Hãy tin vào chính mình

Tôi có vô số khách hàng đã trải nghiệm những lợi ích từ cuốn sách này, chỉ có một số ít người không tin rằng có một thế giới khác về chất lượng âm thanh và cảm thụ âm nhạc. Những người này bám chặt vào ý tưởng mua những thiết bị đắt tiền hơn, vài người mua những thiết bị tốt nhất mà tiền có thể mua được và họ nghĩ họ đã đạt đến đỉnh cao của sự trình diễn. Nhưng như bạn sẽ thấy, việc bạn tiêu bao nhiêu tiền và cách bạn làm gì với thứ bạn có là 2 điều hoàn toàn khác nhau.

Thành thật mà nói, khi mới bắt đầu với những mẹo trong cuốn sách này, hầu hết người đọc không chắc rằng minh có thể nghe thấy sự khác biệt. Nhưng sau đó, tất cả mọi người, không trừ một ai, đều thấy rằng họ có thể và quá trình khai mở năng lực của hệ thống là một trải nghiệm đầy thú vị.

Chỉ cần bạn áp dụng một số mẹo trong này, tôi cam kết bạn sẽ cải thiện được chất lượng trình diễn của bộ dàn âm thanh và qua đó nâng cao sự cảm thụ âm nhạc của cá nhân.

TIP #3: Rèn luyện bản thân

Tôi đã từng thấy những người nhiều tuổi với thính lực khiếm khuyết nhưng vẫn có thể nhận ra những khác biệt tinh tế. Bản thân tôi đã 62 tuổi khi viết cuốn sách này (xuất bản năm 2008). Xét về mặt thể chất, thính lực của tôi thấp hơn những người trẻ trung. Tuy nhiên tôi đã giành được nhiều giải thưởng “Hệ thống âm thanh trình diễn hay nhất” ở nhiều hội chợ, triển lãm và gặt hái được nhiều bình luận tốt về những hệ thống khác nhau mà tôi đã setup. Tôi thường làm việc với nhiều nhà sản xuất khác nhau mà chuyên viên của họ đều trẻ tuổi hơn, và tất nhiên về mặt lý thuyết họ có khả năng nghe tốt hơn, nhưng họ đều đặc biệt muốn tôi đánh giá hệ thống cho họ. Khi tôi ngồi nghe thử hệ thống cùng những chuyên gia trẻ, mà thính lực chắc chắn tốt hơn, thường thì họ không phát hiện ra những điều tôi chỉ ra sau đó.

Điều tôi muốn nói là bạn có thể rèn luyện đôi tai để nghe được nhiều hơn và qua đó nhận được nhiều hơn từ dàn âm thanh của mình. Đó chỉ là vấn đề kinh nghiệm và biết phải lắng nghe cái gì, hoàn toàn không cần có đôi tai vàng siêu nhiên.

Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi nghe một khách hàng thuật lại việc anh ta đến nhà bạn bè và họ hàng và làm cho dàn âm thanh của họ trở nên sống động trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Đơn giản chỉ cần vận dụng những kinh nghiệm anh ta đã kinh qua với bộ dàn của của chính mình.

Học và vận dụng những mẹo trong cuốn sách này, bạn sẽ trở nên nhạy bén hơn với âm thanh từ bộ dàn của bạn với những biến động sau đó của nó.

TIP #4: Biến việc nghe nhạc thành một sự kiện đặc biệt

Tôi đã từng viết về ảnh hưởng mạnh mẽ mà một buổi hòa nhạc trực tiếp mang lại. Tất nhiên hầu hết ảnh hưởng đó là do âm nhạc. Nhưng còn một khía cạnh khác: bản thân việc sửa soạn đi đến một buổi hòa nhạc đã là một sự kiện đáng nhớ.

Tôi nhận thấy rằng khi các khách hàng của tôi (và cả chính tôi nữa) sắp xếp một khoảng thời gian dành riêng chỉ để nghe nhạc, làm cho khoảng thời gian đó trở thành một sự kiện đặc biệt trong đời sống thường nhật, thì tác động của âm nhạc thường mạnh mẽ hơn nhiều so với việc bật dàn âm thanh một cách ngẫu hứng.

Không, tôi không định bảo bạn đừng nghe nhạc một cách ngẫu hứng nữa. Tôi chỉ gợi ý bạn thi thoảng hãy lên lịch cho một sự kiện đặc biệt. Tôi đoán là điều đó sẽ đem đến sự khác biệt cho cuộc sống của bạn.

TIP #5: Dành một không gian riêng để nghe nhạc

Ngày nay, nhiều người yêu nhạc có những hệ thống tích hợp phân phối âm nhạc đến mọi phòng trong nhà. Từ góc độ thẩm mỹ, nhiều người thích gắn những bộ loa âm trần hay âm tường, tôi không có ý định bài bác gì chuyện đó.

Nhưng những hệ thống như thế không đủ mạnh mẽ và độ động để mang đến những trải nghiệm âm nhạc hấp dẫn và từ góc độ audiophile, những hệ thống đó không thể truyền tải những những thông tin về sân khấu (mà chúng ta hay gọi là âm hình và cãi nhau 😆 ) giúp bạn tạm quên đi thực tại để hòa nhập vào sự kiện âm nhạc.

Với những người sở hữu kiểu hệ thống như thế, câu hỏi đặt ra là: “Tại sao bạn thực sự cần một hệ thống âm thanh? Để tạo ra một thứ tiếng ồn nền suốt ngày trong suốt đời bạn ư?” Nếu bạn đang có một hệ thống kiểu như vậy, bạn cần biết rằng việc không có một không gian dành riêng để nghe nhạc đã khiến bạn mất đi cơ hội tận hưởng những cảm xúc lớn lao mà âm nhạc đem lại.

Tôi mạnh mẽ đề nghị bạn hãy dành một khu vực riêng trong nhà cho việc nghe nhạc và sắp xếp bộ dàn của bạn vào đó sao cho phù hợp với không gian và túi tiền của bạn. Sau đó bạn có thể nối bộ dàn đó vào hệ thống phân phối âm thanh đến các phòng khác nếu bạn thích. Dù sao đi nữa, cố gắng làm một khu vực riêng để nghe nhạc và đừng sử dụng hệ thống tích hợp ở đó, rồi bạn sẽ vui mừng vì đã làm như thế.

TIP #6: Đừng làm mất ý nghĩa của việc nghe nhạc

Vài đài phát thanh quảng cáo chương trình của họ là “chỉ nhạc jazz, nhạc jazz cả ngày” hay câu gì đó tương tự xoay quanh thể loại âm nhạc chính họ phát. Nhưng đời sống âm nhạc của bạn có thể phong phú hơn thế nhiều. Vì vậy đừng biến nó thành “ luôn có nhạc nền, nhạc nền suốt ngày”.

Khi âm nhạc chỉ đơn thuần là âm thanh nền, món quà quý giá từng tác động đến tâm hồn ta đã mất đi sự quyến rũ của nó. Khi các loại nhạc nền trở thành nguồn âm nhạc chính phủ kín cuộc sống của bạn, hiện diện như một bức tranh nền bất tận bằng âm thanh, bạn sẽ dần trở nên vô cảm với âm nhạc.

Đó là lý do vì sao tôi ít khi mở nhạc nền trong khi làm việc, thậm chí cả khi tôi đang rảnh rỗi ở nhà. Cá nhân tôi, khi tôi muốn nghe nhạc, tôi muốn thưởng thức nó, hòa nhập với nó một cách trọn vẹn. Vì vậy tôi dành thời gian riêng biệt để nghe nhạc.

Tuy nhiên, khi tôi làm một việc gì đó cần đến sự sáng tạo và cần chút âm nhạc để giúp cho tinh thần hứng khởi, tôi sẽ chọn vài bản nhạc nền phù hợp với tâm trạng lúc đó.

Nói chung, để cho âm nhạc hoàn thành trọn vẹn mục đích của nó là tốt nhất. Hãy dành thời gian để đi nghe hòa nhạc, và hãy dành thời gian lẫn không gian để biến buổi nghe nhạc ở nhà thành một kỷ niệm khó quên.

TIP #7: Khai thác giá trị trị liệu của âm nhạc

Nhiều khách hàng của tôi sử dụng dàn âm thanh như một phương tiện điều chỉnh tâm trạng. Họ trở về nhà sau một ngày làm việc căng thẳng, ngôi nhà đầy tiếng cười đùa con trẻ lúc họ bước vào nhưng họ cảm thấy quá mệt mỏi để vui chơi cùng gia đình. Nhưng nếu họ trốn vào phòng nghe nhạc và ngồi nghe nhạc khoảng 45 phút thì sau đó họ xuất hiện với gia đình trong một tâm trạng sảng khoái hơn hẳn.

Nếu bộ dàn âm thanh của bạn không mang lại một hiệu ứng tương tự, có lẽ bạn cần thay đổi đôi chút. Cuốn sách này sẽ giúp bạn làm điều đó.

Trong trường hợp bạn đã thực hiện những bước set-up cơ bản mà vẫn không có được hiệu ứng như thế, điều đầu tiên tôi sẽ kiểm tra là phải chăng độ động (dynamics) của dàn máy bị nén lại. Hệ thống của bạn có phát ra âm thanh một cách nhẹ nhàng và sống động không? Khi nghe ở mức volume nhỏ, bạn có thấy thích thú với âm nhạc không, hay là bạn phải mở khá to mới thấy hài lòng? Nếu dàn máy phải mở lớn tới một mức nào đó mới trở nên sống động thì dàn máy đó, ít nhất là xét về mặt dài hạn, có lẽ không phù hợp để nghe nhạc.

TIP #8: Cảm nhận cảm xúc trong âm nhạc

Các nhà soạn nhạc thường làm rung động trái tim người nghe bằng cách biến đổi lực độ. Ví dụ như một đoạn nhạc với âm thanh rất nhỏ, lắng dần đến khi tắt hẳn, hay một đoạn nhạc kết thúc với cường độ âm thanh lên đến cực điểm. Cả hai đều là những dấu nhấn cảm xúc nhằm khơi gợi sự đáp ứng mãnh liệt từ phía người nghe.

Những yếu tố tạo cảm xúc khác là hòa âm và âm sắc được sử dụng như những cây cọ vẽ, vẽ nên một bức tranh bằng âm thanh về những cảnh sắc cảm xúc. Nhịp điệu được thiết kế để dẫn dắt người nghe và khơi gợi những xúc cảm hay ấn tượng mong muốn.

Những tác động tình cảm từ giọng ca thì quá rõ ràng, không cần phải giải thích gì ngoại trừ một lưu ý là nó cũng gắn bó mật thiết với lực độ, âm sắc và nhịp điệu.

Trong cuốn sách này, chúng ta sẽ đặc biệt chú ý tới việc thiếu độ động (dynamics) của hệ thống âm thanh sẽ làm giảm tác động cảm xúc của âm nhạc và chúng ta sẽ chỉ ra cách để khắc phục điều đó.

TIP #9: Nên mong đợi điều gì khi tìm kiếm một dàn âm thanh có thể chuyển tải cảm xúc

Tất cả chúng ta đều từng nghe rằng mục đích tối hậu của một hệ thống âm thanh là tái tạo những âm thanh nguyên gốc của một sự kiện âm nhạc. Tuy nhiên, điều đó là không tưởng, xét theo nghĩa đen của từ ngữ.

Mục đích thực, và có thể đạt được, phải là tái tạo lại những tác động cảm xúc (emotional impact) của sự kiện âm nhạc đó. Bạn quên đi hệ thống âm thanh và hòa nhập với âm nhạc. Khi phiêu du cùng âm nhạc, bạn sẽ nhận thấy bản ghi âm thường có 1 trong 2 hiệu ứng sau:

(1) Bạn ở đó. Bạn được đưa đến nơi đã xảy ra sự kiện âm nhạc, nhà hát, nhà thờ, câu lạc bộ, sân vận động… Bạn cảm thấy là bạn có mặt ở đó và có thể cảm thấy sự cuồng nhiệt của đám đông.

(2) Họ ở đây. Các nghệ sĩ hiện diện trong căn phòng của bạn như thể sự kiện âm nhạc đó đang diễn ra trước mặt bạn, trong bầu không khí thân mật của ngôi nhà bạn.

Với hiệu ứng này tôi luôn mong đợi nhiều hơn chút nữa, vì tôi sống trong căn phòng đó và quen thuộc với âm thanh của nó, tôi muốn cảm thấy như thể những nghệ sĩ đó đã mang nhạc cụ đến nhà tôi để tổ chức một buổi hòa nhạc thân mật, riêng tư, cho chính tôi.

Nếu hệ thống âm thanh được set-up đúng, như sẽ mô tả trong cuốn hướng dẫn này, bạn có thể trông đợi là sau một buổi nghe nhạc tại gia bạn sẽ có cùng cảm xúc như khi ra về từ một buổi hòa nhạc trực tiếp.

TIP #10: Nếu như bạn chỉ thích vui vẻ với việc tái tạo âm thanh còn âm nhạc là thứ yếu thì sao?

À, tôi biết chắc rằng có một số người như bạn ở đâu đó. Nếu đó là sở thích của bạn, bạn cứ tiếp tục thích thú với nó bất kể bạn mong đợi gi.

Tuy nhiên, nếu bạn vận dụng những mẹo, kỹ thuật trong cuốn sách này, bạn sẽ thu được âm thanh sống động hơn, chi tiết hơn và thú vị hơn thứ âm thanh bạn từng có. Và bạn có điều đó mà không cần phải chi thêm tiền cho các thiết bị. Cứ xem những kỹ thuật này như những mẹo vặt vui vui để tinh chỉnh hệ thống của bạn.

CĂN PHÒNG CỦA BẠN

Những nội dung trong Tip 12 & 12 là nền tảng cơ bản của cuốn sách này, hãy đọc kỹ và suy ngẫm về chúng nhé.

Tip #11: Thành phần nào luôn luôn là quan trọng nhất trong hệ thống âm thanh của bạn?

Tôi không thể nhớ hết số lần tôi đến thăm nhà của các audiophile, những người đã phối ghép một hệ thống đắt tiền từ những thiết bị được đánh giá cao. Những chuyến viếng thăm ấy phải lên tới hàng trăm, nếu như không muốn nói là hàng ngàn lần.

Tôi nhận thấy rằng tối thiểu 95% số hệ thống đó trình diễn kém xa mức tốt nhất của nó. Thành thật mà nói, phân nửa số hệ thống cho ra một thứ âm thanh buồn tẻ. 25% có thể được miêu tả bằng câu: “Sao tôi lại cảm thấy thoải mái hơn khi tắt nó đi?”

Mặc dù thường có nhiều lý do dẫn đến kết quả đó, ở đây tôi chỉ muốn nhấn mạnh một lý do quan trọng. Đó là thành phần tạo ra sự thay đổi lớn nhất trong chất lượng trình diễn của mọi hệ thống. Kỳ lạ thay, đó lại là thành phần không bao giờ nhận được những bài phê bình, đánh giá.

Hy vọng là bạn đã nhận ra thành phần quan trọng nhất đó chính là phòng nghe của bạn. Sự thành công hay thất bại của hệ thống luôn luôn phụ thuộc vào nó.

Tôi muốn giải thích rõ thêm từ “phòng nghe”. Hầu hết chúng ta không có cuộc sống xa hoa với ngôi nhà nhiều phòng để chọn lựa. Chúng ta thường chỉ có một và nó chắc cũng không hoàn hảo như ta muốn. Vì vậy, vấn đề đặt ra là, làm thế nào để dàn máy của ta thể hiện hết khả năng của nó với căn phòng ta có? Chúng ta sẽ khám phá chủ đề đó trong tập sách này.

Khi dàn máy của bạn đã được cân chinh đúng, nó dường như biến mất. Tôi gọi hiệu ứng đó là “trò chơi với căn phòng”. Mục đích của chúng ta là phối hợp với căn phòng chứ không phải chống lại nó.

Rất nhiều audiophile ném tiền vào những thiết bị đắt giá nhưng ít có cơ hội nhận được tối đa hiệu năng của nó như họ mong muốn. Sự thể hiện của hệ thống có thể thay đổi theo một cách nào đó nhưng hiếm khi thiết bị mới đó làm nâng tầm của cả hệ thống lên một ngưỡng mới như lẽ ra nó có thể làm.

Đó là vì căn phòng của họ đã xóa đi một phần lớn của bất kỳ sự thay đổi nào. Nhiều audiophile vò đầu bứt tai với việc mua những thiết bị mới nhất, đắt nhất, được hứa hẹn những tính năng chắc chắn. Tuy nhiên, những sự cải thiện do thiết bị mang lại chỉ là thứ yếu khi so với khoảng biến động 6-12 dB của hệ thống tùy thuộc vào sự đáp ứng tần số của căn phòng. Thêm vào đó, sự dội âm ngoài ý muốn cũng góp phần làm nhòe đi, thậm chí xóa mất luôn, những sắc thái tinh tế khi bộ dàn trình diễn.

Trong phần hướng dẫn set-up, tôi sẽ mô tả kỹ thuật set-up cơ bản, bắt đầu với âm thanh tần số thấp. Thực tế là sự đáp ứng với tần số thấp thay đổi với biên độ khá rộng, ví dụ nó có thể tăng thêm 6-8 dB ở tần số 80 Hz hay mất đi 6-8 dB ở tần số 40 Hz và mất 6-8 dB nữa ở 160Hz. Các biến động lớn như thế trong dải tần số thấp, (gây ra do kích thước phòng, vị trí loa và vị trí ngồi nghe) sẽ làm mất tác dụng của những thay đổi nhỏ tạo ra bởi các thiết bị điện tử, dây dẫn tín hiệu và cả loa nữa.

Đây là vấn đề mà tôi luôn nhấn mạnh, các thiết bị điện tử, dây dẫn, loa thường khá đắt đỏ trong khi làm việc với căn phòng thì chả mất gì cả. Bạn có thể thu được sự đáp ứng âm thanh tốt hơn, giảm thiểu những âm dội không mong muốn với chi phí rất ít.

Vậy sao các audiophile cứ ném tiền vào những thiết bị – của – tháng trong khi lẽ ra họ có thể đạt được sự thỏa mãn âm nhạc cao hơn nhiều chỉ bằng cách đơn giản là giải thoát âm nhạc khỏi sự cản trở của căn phòng?
Đó là vì họ chưa bao giờ biết được hệ thống âm thanh của họ có thể hay đến mức nào với một ít nỗ lực để khiến thành phần quan trọng nhất trở nên hòa hợp với hệ thống, thay vì phá hoại nó.

Tôi không muốn bạn nghĩ là tôi chống đối việc nâng cấp thiết bị. Ngược lại, tôi hoàn toàn ủng hộ diều đó. Nhưng cớ gì phải làm tổn hại đến giá trị của việc nâng cấp? Hãy cứ mua sắm những thiết bị mới, tốt hơn theo ý thích và ngân sách của bạn. Chỉ cần trì hoãn việc đó đến khi đã thiết lập xong nền tảng cơ bản để hỗ trợ cho quyềt định nâng cấp. Nền tảng cơ bản đó là căn phòng của bạn.

Chúng ta sẽ đề cập đến nhiều vấn đề cân chỉnh và một số lớn trong đó liên quan đến phòng nghe. Hầu hết những vần đề về phòng nghe nằm ở các Tip 59-89.

Tip #12: Câu chuyện về 2 hệ thống giống hệt nhau nhưng lại trình diễn khác hẳn nhau

Năm 2002, tôi đang làm đại lý phân phối loa Avantgarde Acoustic và nhận được vài bài bình luận tốt về hệ thống mà tôi trưng bày tại nhà ở Atlanta. Vì vậy một số audiophile muốn đến nghe thử trực tiếp.

Một quý ông điện thoại đến, ông ta đang đi công tác Atlanta và muốn đến nhà tôi nghe thử vài phút. Ông ta từng gọi và email cho tôi trước đó. Ông ấy đã sắm một hệ thống y hệt của tôi, kể cả cáp và kệ máy. Do mua đồ second-hand nên ông không có được sự trợ giúp từ một đại lý chính thức nào. Ông ta đã viết thư hỏi tôi các thông tin set-up cơ bản cho loa Avantgarde cũng như cách tôi chỉnh bias cho bộ ampli đèn… Tôi đã cung cấp ấy tất cả các thông tin kỹ thuật ông ta hỏi.

Rồi ông ấy đến, sau vài câu chào hỏi xã giao, chúng tôi ngồi ngay xuống nghe nhạc, vì ông ta có rất ít thời gian. Chúng tôi cùng nghe 1 CD tham chiếu của tôi, mà ông ta cũng có ở nhà. Hết bản nhạc đầu tiên, ông ta ngồi im, không nói câu nào. Hết bản nhạc thứ 2, ông ta đứng bật dậy, cực kỳ giận dữ, như thể sắp bỏ đi ngay.
Hoàn toàn bối rối, tôi hỏi sao ông ta lại phản ứng như thế. Câu trả lời là ông ta cực kỳ choáng váng. Ông ta có những thiết bị giống hệt của tôi, thậm chí phòng nghe chuyên biệt của ông ấy còn tốt hơn phòng tôi (và đúng thế thật). Ông ta thốt lên: “tôi không thể hiểu tại sao tôi không thể có được dù chỉ ¼ chất lượng âm thanh như hệ thống của ông!”

Tôi giải thích là vì tôi đã cân chỉnh hệ thống cho phù hợp với căn phòng của riêng tôi và điều đó tạo nên sự khác biệt lớn hơn bất cứ thứ gì khác. Tôi đề xuất ông ấy sử dụng dịch vụ của một người kinh doanh audio mà tôi biết ở vùng đó. Nhưng ông ấy đã không nghe theo, vì người bán hàng đó không chịu giảm giá.

Vậy là ông ta đã tiêu hàng ngàn đô la mua thiết bị và rồi vẫn thấy thất vọng chỉ vì không muốn bỏ thêm khoảng 500 đô để có một chuyên gia đến cân chỉnh hệ thống cho căn phòng của mình.

Sau đó tôi được biết rằng ông ấy đã mua những thiết bị đắt tiền hơn nữa, vài sợi cáp đắt gấp đôi cáp trong hệ thống của tôi. Vài tháng sau, ông ta gửi email cho tôi, bảo rằng đã bán đi toàn bộ hệ thống. Ông ta không thể đạt được âm thanh như ở chỗ tôi, không thể hài lòng với âm nhạc. Ông ta làm như thể tôi là người chịu trách nhiệm về điều đó.

Cơ bản là ông ta nghĩ ném tiền vào những thiết bị cao cấp hơn sẽ giải quyết được vấn đề, đưa ông ta đến thiên đường âm nhạc. Nhưng ông ta chưa bao giờ hiểu rằng, ngay cả khi đã được hướng dẫn cụ thể, cân chỉnh hệ thống cho phù hợp với thành phần quan trọng nhất – căn phòng – mới là con đường cơ bản đem đến sự thỏa mãn.

Vậy rốt cục có phải ông ta đã tiết kiệm được tiền bằng cách tìm mua các thiết bị cao cấp đã qua sử dụng? Câu trả lời trong trường hợp này là KHÔNG. Ông ta đã thực sự lãng phí số tiền đó do không nhận ra yếu tố quan trọng nhất, và có lẽ rẻ nhất.

Đó cũng là lý do vì sao tôi viết cuốn sách này.

Tip #16: Tại sao nên để loa xa tường

Trước tiên phải lưu ý là có nhiều bộ loa được thiết kế để đặt sát tường hay trong góc. Những loại loa đó nổi tiếng do kiểu sắp đặt của chúng, chúng sử dụng vách tường liền kề để hỗ trợ việc tái tạo âm trầm. Tip này không nói về các kiểu loa đó.

Khi mọi người hỏi tôi tại sao lại cần đặt loa cách xa tường và góc nhà, tôi bảo họ hãy lắng nghe giọng tôi nói khi tôi để đầu sát tường hay trong góc tường _ âm thanh bị nghẹt lại phần nào, khi tôi bước ra cách tường vài bước giọng tôi trở nên sống động hơn. Đây là một hiệu ứng rất dễ nhận thấy, bạn có thể tự thử nghiệm.

Tương tự thế với các nhạc cụ. Tôi đã nhiều năm hành nghề thu âm và không bao giờ tôi lại để một nhóm tứ tấu đàn dây ngồi trong góc phòng hay sát vách tường. Các nhạc cụ cần có không gian “thở” để phát huy chất lượng âm thanh tự nhiên của chúng.

Trừ phi được thiết kế để sắp xếp trong góc hay sát tường, loa cũng cần không gian để thở, chúng được thiết kế để sử dụng như vậy. Sắp đặt khác đi sẽ làm giảm chất lượng trình diễn của chúng và hiệu quả âm nhạc của toàn hệ thống.

Nếu căn phòng của bạn không phải chỉ dành cho nghe nhạc và bộ loa không thể để cố định tại vị trí tối ưu của nó, bạn có thể cứ để nó sát tường. Nhưng khi bạn định nghe một cách nghiêm túc, hãy dời chúng đến đúng vị trí cần thiết. Tất nhiên, điều này đòi hỏi bạn phải đánh dấu chính xác các vị trí đó.

NHỮNG ĐIỀU ĐÁNG LƯU Ý

Một số điều trong phần này ngược lại với những quan niệm audiophile phổ biến, vài điều khác lại trùng khớp. Cho dù bạn theo khuynh hướng nào, hãy cứ coi chúng như vũ khí dự trữ trong kho tàng bí quyết giúp hệ thống âm thanh của bạn trở nên hấp dẫn hơn.

Tip #56: Nâng cao dây dẫn

Một số thảm trải sàn có thể tác động đến các dây dẫn tín hiệu. Nếu có thể, tôi gợi ý bạn thử nâng cao các dây dẫn lên khỏi mặt sàn bằng một thứ gì đó ví dụ như miếng bọt biển. Không phải tôi bảo bạn sử dụng thứ đó lâu dài, mà chỉ để xem thử vệc đó có làm thay đổi chút gì cho hệ thống của bạn?

Dường như tôi có vấn đề về tĩnh điện hay thứ gì đó tương tự với thảm sàn phòng nghe cũ của tôi, bởi vì hệ thống của tôi đã có cải thiện khi tôi nâng các dây dẫn cao lên khỏi mặt thảm. Sau cùng, tôi đã dùng những chân gỗ của Cardas làm cho mục đích đó.

Thực tế là, tôi nghĩ là sẽ tốt hơn nếu dùng cái gì đó cao hơn nữa. Tuy nhiên tôi cũng không muốn có một thành phố mini với các cục gạch-gỗ khắp phòng nghe.

Một lý do khác khiến các audiophile và các nhà sản xuất thiết bị audio sử dụng vật nâng dây dẫn là vì họ tin rằng những rung động của sàn gây ảnh hưởng đến độ trong trẻo và độ động của dây dẫn. Vài loại chân nâng dây dẫn được thiết kế như là chân khử rung.

Nếu bạn thấy thích thú với ý tưởng này, có rất nhiều loại và nhãn hiệu chân nâng dây dẫn để lựa chọn. Nhưng tôi gợi ý bạn nên thử trước bằng vài cái chân tự làm để xem bạn có nghe được sự khác biệt không. Hoặc cũng có thể mua lấy vài bộ chân chuyên dụng, chừng nào mà bạn được người bán cam kết cho hoàn trả lại nếu như hiệu quả của chúng không đáng kể trên bộ dàn của bạn.

Cũng xin lưu ý trước, hiệu quả của việc này không lớn lắm. Tôi thích nó vừa đủ để gợi ý cho bạn thử, nhưng chỉ sau khi bạn đã hoàn tất những bước set-up chính.

Tip #55: Khử từ cho đĩa CD – sự lừa phỉnh hay cứu tinh?

Tôi biết về thứ này lần đầu tiên khi một công ty muốn tôi dùng thử nó và tôi đã phải cố gắng kiềm chế không cười vào mặt họ. Dù sao đi nữa, họ vẫn gửi cho tôi 1 cái để đánh giá và tôi đã thử nghiệm ngay khi nhận được. Nó có tác dụng, nhưng rất ít.

Nó không phải cây đũa thần. Tuy nhiên loại bỏ tĩnh điện trên các đĩa CD giúp chúng cho âm thanh tốt hơn, nhưng khác biệt trước và sau khi làm điều đó không đến mức như ngày và đêm.

Đây cũng là một trong những phụ kiện mà tôi gợi ý bạn nên thỏa thuận với người bán là có thể trả lại nếu như không nhận thấy tác dụng gì. Hãy thử nó, nhưng chỉ sau khi bạn đã hoàn tất các bước cân chỉnh chính.

Tôi thực sự không nhận ra sự khác biệt trên một hệ thống trước khi được cân chỉnh đúng. Nhưng sau đó bạn có thể nhận ra phần đóng góp của việc khử từ.

Tip #54: Tắt màn hình

Không phải tất cả, nhưng môt phần lớn thiết bị có màn hình hiển thị kỹ thuật số không được cách ly đúng mức. Thậm chí một số gây ra tiếng ồn nhiễu mà bạn có thể nghe được trong khi chúng bật sáng.

Để có âm thanh tốt nhất, hãy tắt những màn hình đó bất cứ khi nào có thể. Chú ý: giảm độ sáng của chúng thường làm vấn đề trở nên tệ hơn. Hãy bật hẳn hoặc tắt hẳn, tất nhiên tắt hẳn thì tốt hơn.

Tip #45: Không nên để bề mặt phản xạ âm thanh nào trước mặt bạn.

Tốt nhất là bạn đừng để bàn cà phê hay thứ gì đó có thể phản xạ âm thanh ở giữa vị trí nghe của bạn và cặp loa. Bỏ đi những thứ tạo ra âm thanh phản xạ sớm (trước khi âm thanh trực tiếp đến tai bạn) và ngoài ý muốn sẽ giúp bạn nghe được nhiều chi tiết âm nhạc hơn. Nếu bạn có một cái bàn cà phê và không thể di chuyển nó thì hãy phủ một cái chăn hay cái cái khăn tắm lên nó.

Lưu ý: nếu sàn phòng nghe của bạn làm bằng vật liệu cứng và phản xạ âm thanh (gạch hay gỗ, không thảm…) thì bạn lại không nên di chuyển cái bàn đó. Vài mảnh vải hút âm phủ lên nó sẽ cải thiện đáng kể chất lượng buổi nghe của bạn.

Tip #48: Bao nhiêu công suất là quá nhiều?

Thông thường, không phải ampli thừa công suất sẽ làm hỏng loa mà ngược lại: do ampli quá yếu.

Nguyên do là khi ampli phải kéo cặp loa vượt quá khả năng của nó, sóng điện do nó tạo ra sẽ có dạng vuông (thay vì dạng sin) _ thường được gọi là “clipping” (hình cái kẹp giấy). Tôi đặc biệt lưu ý điều này với các ampli bán dẫn, vì ampli đèn thường tạo ra dạng sóng mượt hơn.

Sóng dạng vuông này sẽ sinh ra nhiệt lượng lớn trong cuộn dây của củ loa và, sớm hay muộn, sẽ làm cháy nó.

Tip #49: Những hiệu ứng âm thanh audiophile

Là những audiophile, chúng ta thường tìm kiếm hình ảnh lập thể và sân khấu âm thanh. Tôi gọi đó là những “hiệu ứng âm thanh audiophile”. Tất nhiên tôi cũng thích thưởng thức một sân khấu âm thanh tốt như những người khác, nhưng chỉ sau khi hoàn tất những cân chỉnh cơ bản.

Với cụm từ “hiệu ứng âm thanh”, tôi muốn nói đến những hình ảnh minh họa nguồn âm được tạo ra trong phòng ở giữa 2 loa, một phần nhỏ hơi nhô lên trước và phần lớn ở phía sau mặt phẳng ngang nối 2 loa. Ví dụ, toàn thể dàn nhạc như thể lơ lửng giữa 2 loa, với bè violin, bộ gỗ… được định vị chính xác theo đúng tương quan vị trí khi buổi hòa nhạc được thu âm.

Tôi đã luôn nghĩ rằng một hình ảnh chính xác và một sân khấu âm thanh rõ nét là công cụ tuyệt vời để xóa bỏ sự hoài nghi của chúng ta. Nhưng sự thật là, nhân danh một người đã tham dự vô số buổi hòa nhạc đủ mọi thể loại và đã thu âm hàng trăm buổi trong số đó phục vụ cho đài phát thanh, làm master và nhiều mục đích khác – hình ảnh mà chúng ta nhận được từ hệ thống âm thanh tại gia chính xác hơn rất nhiều so với khi bạn nghe trực tiếp đúng chương trình hòa nhạc đó.

Giá trị thực của chúng có lẽ xuất phát từ thực tế là chúng ta không có cơ hội trải nghiệm buổi hòa nhạc trực tiếp, vì vậy những chi tiết về hình ảnh, không gian sân khấu có thể giúp cho trí tưởng tượng của chúng ta.

Câu hỏi đặt ra là: những hiệu ứng âm thanh này có tác động gì đến âm thanh thực sự của âm nhạc? – Trả lời: không nhiều lắm.

Khái niệm bộ dàn của chúng ta chơi “như thật” đã bỏ qua những yếu tố thực tế về việc nén dữ liệu khi thu âm, kỹ thuật sắp đặt microphone (hay là sự thiếu kỹ thuật này), giới hạn dải động của thiết bị, những vấn đề luôn tồn tại của phòng nghe…

Do đó, trong khi chúng ta hướng về chủ nghĩa thực tế như thể đó là chén thánh thì kết quả thật lại là một thứ gì đó khác. Gọi nó đơn giản là giải trí chất lượng cao có lẽ tốt hơn. Hình ảnh giả lập và định vị sân khấu chỉ để làm cho quá trình thưởng thức âm nhạc thú vị hơn.

Với những audiophile yêu âm nhạc, vấn đề quan tâm chính là họ có bị âm nhạc cuốn hút hay không, theo cách mà đến tận ngày hôm sau nội tâm họ vẫn ngập tràn những năng lượng cảm xúc mà âm nhạc đem lại.

Nếu như ta có một đĩa nhạc hay, được biểu diễn tốt thì trải nghiệm hấp dẫn này dễ dàng đạt được, phần lớn là thông qua âm sắc, nhịp điệu và độ động. Khi những yếu tố này hiện diện trong hệ thống, chủ nhân của nó có thể mô tả âm nhạc đã tác động đến họ mạnh mẽ như thế nào.

Ngược lại, nếu những “hiệu ứng âm thanh audiophile” nổi bật lên, bất chấp sự đánh đổi với âm sắc, nhịp điệu và độ động thì hệ thống đó có lẽ không gây được nhiều hiệu quả cảm xúc với người nghe. Và thường thì chủ nhân của những hệ thống đó thích nghe âm thanh hơn là đắm chìm vào âm nhạc.

Lắng nghe để định vị chính xác các nhạc cụ hay các âm thanh ngẫu nhiên thu được – hơi thở, tiếng vọng của tường nhà hát… hiển nhiên là cách nghe chú trọng đến hiệu ứng âm thanh hơn là âm nhạc. Và thực tế là những người đó sẽ quay vòng vòng với các thiết bị, luôn tìm kiếm một món nào đó có thể tái tạo những hình ảnh giả lập hay những âm thanh vô nghĩa như tiếng chuông đện thoại xa xa, tiếng lanh canh của những ly thủy tinh chạm vào nhau …

Làm ơn hiểu, tôi không phán xét kiểu nghe nào tốt hơn ngoại trừ việc lưu ý rằng lợi ích nhận được từ khoản đầu tư vào hệ thống sẽ cao hơn và sự thỏa mãn sẽ sâu sắc, dài hạn hơn với những ai đặt mục tiêu tối hậu của mình là cảm xúc âm nhạc.

Tip # 50: Phép thử “bên ngoài phòng nghe”

Tôi bắt đầu sử dụng kỹ thuật này tại các kỳ hội chợ CES thập niên 80. Khi đó tôi đang sở hữu một cửa hàng high-end và thường cùng đi với các nhân viên của tôi.

Khi chúng tôi hứng thú với một sản phẩm mới nào, tôi thường dừng lại ở ngay gần cửa phòng trưng bày khi họ đang mở nhạc. Tôi muốn nghe xem âm nhạc được thể hiện như thế nào.

Nó có giống như buổi trình diễn đang diễn ra trong phòng? Hay nó mênh mông, hoành tráng như thể ta đang ở trong nhà hát? Vì tôi đứng ngoài phòng, hình ảnh sân khấu và các hiệu ứng âm thanh audiophile khác không tác động tới tôi. Chỉ có âm sắc, nhịp điệu và độ động.

Nếu câu trả lời là “có”, âm thanh tỏ ra cuốn hút, chúng tôi mới bước vào phòng và chúng tôi đặt kỳ vọng vào những sản phẩm này cao hơn nhiều so với những sản phẩm không thể hiện được như thế.

Phép thử này cũng hữu dụng cho các hệ thống âm thanh tại gia. Tất nhiên nó không phải phép thử duy nhất nhưng tôi nhận thấy rằng những hệ thống có thiết bị tốt và được cân chỉnh đúng sẽ luôn luôn vượt qua phép thử này.

Tip #51: Có nên có phòng nghe nhạc riêng?

Ngay cả khi bạn muốn và có khả năng để dành riêng một phòng nghe nhạc, vẫn có điều cần cân nhắc nếu như bạn không ở một mình.

Nghe nhạc trong phòng nghe riêng là một điều cực kỳ thú vị. Âm nhạc sẽ hấp dẫn hơn nhiều khi bạn không bị phân tâm. Tuy nhiên, điều đó cũng có mặt trái của nó. Vấn đề ở đây không liên quan tí gì đến audio, mà là về quan hệ.

Tôi nhớ đã từng nói với vợ là thật quá tốt khi tôi luôn ở nhà buổi tối, trong phòng nghe nhạc, thay vì đi đâu đó bên ngoài. Tôi cảm thấy tôi phải giải thích điều đó cho vợ bởi vì, thành thật mà nói, tôi biết là có gì đó không đúng trong chuyện này.

Và đây là điều tôi học được, từ chính mình cũng như một số người khác _ những người có phòng nghe riêng (có cửa để đóng lại): nếu bạn có mặt ở nhà nhưng lại như không hiện diện với gia đình thì còn tệ hơn là bạn ngồi ngoài quán bar.

Vì vậy, nếu bạn có một phòng nghe nhạc riêng, hay bạn dự định có một cái, tôi gợi ý bạn hãy chia xẻ việc sử dụng nó với các thành viên trong gia đình. Nếu không làm được như vậy, hãy chắc chắn rằng bạn dành đủ thời gian bên ngoài căn phòng đó để gia đình bạn biết rằng bạn quan tâm tới họ.

Hãy nhớ rằng một hệ thống âm nhạc tốt, sắp đặt đúng là phương tiện điều chỉnh tâm trạng tuyệt hảo. Tip này chỉ nhằm nhắc bạn chớ làm phát sinh những tâm trạng xấu trong khi bạn ẩn dật ở thiên đường của mình.

LOẠI BỎ CÁC YẾU TỐ GÂY Ô NHIỄM ÂM THANH VÀ NGUỒN ĐIỆN

Các loại motor, máy tính và đồ điện gia dụng có thể gây ảnh hưởng đến việc thưởng thức âm nhạc của bạn theo 2,3 cách và tất cả đều là tác động xấu.

Trước hết, chúng thường gây ra những tiếng ồn cơ khí khi chúng hoạt động. Không chỉ làm phân tâm, nó còn làm giảm độ động và vì thế, giảm tác động của âm nhạc.

Thứ hai, chúng làm ô nhiễm nguồn điện AC.

Thứ ba, máy tính và các bộ phát sóng không dây phát tán các tạp nhiễu số trong vùng nghe của bạn, tác động vào các mạch điện tử nhạy cảm cũng như cáp truyền tín hiệu.

Tip #97: Bộ lọc nguồn điện có thể tạo ra sự khác biệt – nhưng liệu các khác biệt đó có tốt hơn?

Tôi đã thử nghiệm nhiều loại lọc nguồn AC được đánh giá cao. Thường thì chúng đều tạo ra sự khác biệt. Tuy nhiên, khi bạn đánh giá một bộ lọc nguồn, hãy cảnh giác với những tác động tiêu cực mà thoạt nhìn có vẻ như là sự cải thiện tốt.

Một số loại lọc nguồn thụ động có thể làm giảm độ động của thiết bị nào đó trong hệ thống như thể chúng đã ngốn mất một phần điện năng cần thiết. Tôi thường nhận ra rằng thứ âm thanh “mượt mà” mà tôi nghe thấy lúc đầu là kết quả của việc giảm mất khá nhiều độ động. Và tôi thở phào sung sướng khi quay trở lại với nguồn điện trực tiếp không qua lọc. Đó là vì việc mất độ động đã làm mất đi tác động của âm nhạc.

Hãy chắc chắn rằng, khi bạn cân nhắc việc mua một bộ lọc nguồn, nó phải cải thiện TẤT CẢ các khía cạnh của âm thanh; và hãy đòi được thử nó ở nhà, với toàn quyền trả lại nếu không thích.

Một phép kiểm tra đơn giản – nếu như bạn không thích việc nghe đi nghe lại để so sánh độ động liên quan – là hãy ghi chú lại cái nào thể hiện âm nhạc sống động hơn (hay là cái nào nhàm chán hơn). Nếu một bộ lọc nguồn làm thu hẹp độ động, âm thanh sẽ kém hấp dẫn hơn. Âm nhạc có thể nghe mượt mà hơn nhưng thiếu sức mạnh và sự sống động.

Vài loại tốt, một số ít rất tốt nhưng rất nhiều loại chả ra gì, bất kể giá tiền và các review.

Tip #98: Loại lọc nguồn rẻ tiền hơn có tốt như loại đắt tiền?

Điều này liên quan đến Tip trên. Tôi từng nghe về việc một vài bộ lọc rẻ tiền có thể cho hiệu quả tương đương các bộ lọc đắt tiền hơn nhiều. Trong lĩnh vực này, việc đó có thể xảy ra không? KHÔNG.

Tip #99: Lý do bạn cần xác định mạch điện nào cung cấp năng lượng cho hệ thống âm thanh và có những thiết bị nào hiện diện trên mạch điện đó

Trước đây rất lâu tôi đã nhận thấy rằng một số đồ gia dụng cắm vào cùng mạch điện với hệ thống âm thanh có thể phá vỡ sự trong trẻo của hệ thống. Những thứ đồ gia dụng đó thường có nhiều kiểu motor (máy rửa chén, tủ lạnh, máy giặt, máy sấy, lò vi sóng…) mà một số có thể gia tải đáng kể lên mạch điện, cướp đi sức mạnh và sự sống động của hệ thống.

Tất nhiên các máy tính trên cùng mạch điện cũng gây ra số lượng tạp nhiễu đáng kể trên bộ dàn.

Vì thế, sẽ rất tốt khi biết rõ các thiết bị điện tải trên cùng một mạch điện và cân nhắc việc tắt chúng đi trong khi nghe nhạc.

Đây cũng là lý do khiến nhiều người đầu tư cho bộ lọc điện. Nhưng rủi thay, những bộ lọc gây ra hiệu ứng xấu cũng nhiều không kém những bộ lọc tốt, do đó hãy thật cẩn thận khi mua loại thiết bị này.

Đây cũng là lý do vì sao nhiều audiophile làm như Tip #104.

Tip #100: Để nghe nghiêm túc

Tắt tất cả các máy tính trên cùng mạng điện với hệ thống âm thanh.

Có lẽ điều này không có gì bí hiểm nhưng tôi rất ngạc nhiên khi nhiều người vẫn không làm thế. Máy tính gây ra rất nhiều tạp nhiễu và chắc bạn không muốn chúng lọt vào hệ thống âm thanh của mình.

Tip #101: Để nghe nghiêm túc hơn nữa

Tắt hết các bộ phát sóng không dây. Tương tự như trên, hầu hết các audiophile không nhận ra rằng chúng phát tán những tín hiệu số không mong muốn và không liên quan vào hệ thống âm thanh nhạy cảm của họ.

Khi bạn nghe một cách nghiêm túc, hãy tắt hết các bộ phát sóng không dây và bạn sẽ nhận được âm nhạc thuần khiết hơn.

Tip #102: Nếu bạn là người cầu toàn giống tôi

Hãy tắt hết các thiết bị điện gia dụng khác.

1. Chúng thường phát ra các xung nhiễu ảnh hưởng đến dòng điện.
2. Tùy vào loại thiết bị , chúng có thể ngốn mất điện năng cần thiết cho dàn âm thanh.
3. Nếu chúng ở gần dàn âm thanh chúng có thể gây tiếng ồn khó chịu, khiến bạn không thể nghe được những chi tiết tinh tế trong âm nhạc. Bạn sẽ nghe nhạc rất mau chán vì, độ động bị hạn chế, và như bạn đã biết, hầu hết tác động cảm xúc của âm nhạc là từ độ động.

Tip #104: Lập một mạch điện riêng cho hệ thống âm thanh.

Đây là giải pháp tốt nhất nếu như bạn có thể làm được. Chi phí tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của bạn nhưng thường thì sẽ ít hơn nhiều so với giá tiền một bộ lọc nguồn cao cấp.

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VÀ CẦN LÀM TRƯỚC VÀ TRONG KHI SO SÁNH CÁC THIẾT BỊ

Đã bao lần tôi nghe mọi người kể về sai lầm của họ khi thay đổi thiết bị, về việc họ mua một thiết bị mới với lý do gì đó, nhưng khi thời kỳ “trăng mật” kết thúc họ lại thấy mình không gắn bó với âm nhạc như trước kia.

Với những người như vậy, tôi nhận ra lý do thường là vì họ quá lắng nghe những thứ mà tôi gọi là “hiệu ứng âm thanh audiophile”. Thay vì để ý xem thiết bị mới đó chuyển tải âm nhạc như thế nào và qua âm nhạc, tác động tới cảm xúc của họ ra sao thì họ lại rơi vào cái bẫy của việc tìm kiếm sự chính xác của hình ảnh, tiếng bass chắc gọn…

Trong khi những hiệu ứng âm thanh đó có thể rất thú vị, chúng cũng làm cho quá trình nghe nhạc của bạn bị nhiễm những yếu tố máy móc. Bạn đã không để tiếng nói của âm nhạc đến với trái tim mình mà bạn lại dùng cái đầu để tìm nghe những hiệu ứng âm thanh.

Trong phần này, tôi sẽ chỉ ra một số việc bạn cần thực hiện để hỗ trợ quá trình thẩm định so sánh các thiết bị, giúp bạn không sai lầm và tiêu tốn tiền vô ích. Nếu bạn không thích làm theo những hướng dẫn này là bạn đã mở đường cho những sai lầm đắt giá.

Tip #118: Nếu bạn đang định đổi một thiết bị

Hãy xác định chắc chắn điểm yếu của hệ thống mà bạn muốn cải thiện.

Tôi không phản đối việc thay đổi chỉ vì thích thay đổi, có thể là vì những tính năng mới, kích thước, kiểu dáng…

Nhưng khi bạn định thay thế một thiết bị audio vì bạn muốn có “âm thanh tốt hơn”, bạn có trách nhiệm phải xác định rõ yếu tố nào bạn muốn cải thiện. Hơn nữa, bạn phải xác lập một số tiêu chuẩn cho những yếu tố khác mà bạn sẽ không muốn đánh đổi chúng chỉ để đạt được sự cải thiện kia.

Hãy chắc chắn rằng bạn có ý tưởng rõ ràng về những gì bạn muốn và lắng nghe không chỉ bằng cái đầu mà cả với con tim. Như vậy bạn sẽ tránh được việc vò đầu bứt tai than vãn với người khác “Không biết sao tôi lại mua món đồ ấy nhỉ?”

Tip #119: Khi nào thì bật máy

Phần dưới đây đề cập đến việc so sánh các thiết bị điện tử như ampli, pre-amp, tuner, CD player…

Khi so sánh hai cặp loa, cả hai nên được để trong cùng một môi trường ít nhất là 1 giờ, lâu hơn càng tốt, và cả hai đều phải đã hoàn tất việc chạy rà (break-in).

Các thiết bị điện tử luôn cho âm thanh tốt hơn khi đã nóng lên. Có lẽ vì chúng đạt được trạng thái cân bằng nhiệt, các bóng đèn hay transistor đạt tới chỉ số hiệu suất tối ưu.

Bất kỳ khi nào có thể, nhất là khi bạn định so sánh 2 thiết bị với nhau, hãy bật hệ thống của bạn và các thiết bị định so sánh lên khoảng 1 giờ trước khi bắt đầu. Âm thanh sẽ ấm áp hơn, thanh thoát hơn và chính xác hơn. Lý do bạn không nên so sánh các thiết bị nguội lạnh, chưa đạt tới nhiệt độ hoạt động tối ưu là vì âm thanh của chúng sẽ không giống như lúc bạn thường xuyên sử dụng chúng.

Khi bạn so sánh 2 thiết bị, hãy duy trì trạng thái bật của chúng trong suốt thời gian thử nghiệm. Đôi khi điều này có thể gây nguy hiểm cho ampli (vài loại ampli không thể ổn định và không thể ở trạng thái nghỉ nếu không đấu nối với loa và nguồn âm). Nếu ampli bạn định thử thuộc loại đó, hãy tìm hiểu xem liệu nó có cho phép bật công tắc nguồn nhưng không có tín hiệu nào đi qua hay không.

Những thiết bị line-level như pre-am, CD player, DAC, tuner… (ngược lại với thiết bị speaker-level như ampli) hoàn toàn an toàn khi bật công tắc mà không cần kết nối với đầu vào lẫn đầu ra.

Tip #120: Bật máy lâu hơn

Tôi đã nói ở trên là nên bật máy ít nhất 1 giờ trước khi thử nghiệm. Nhưng nếu điều kiện cho phép, tôi khuyên bạn nên bật các thiết bị kỹ thuật số như CD player va DAC trước 24h.

Dường như nhiều mạch điện tử và bộ đếm xung trong nhiều thiết bị kỹ thuật số đạt tới trạng thái ổn định nhiệt sau khoảng 24h. Vì bạn không biết bộ đếm xung nào hay mạch điện nào cần nhiều thời gian để đạt hiệu suất tối ưu hơn cái khác, bật chúng trong suốt 24h sẽ giúp loại bỏ phần lớn sự khác biệt này.

Sao lại bỏ qua cơ hội giúp ta tránh được những nhận định sai lầm chứ?

Tip #121: Khởi động lại các thiết bị kỹ thuật số

Nếu các thiết bị số của bạn đã duy trì trạng thái bật trong nhiều ngày, khởi động lại chúng (reboot) sẽ loại bỏ các hiện tượng mất ổn định. Với mục đích này, tôi gợi ý rằng thao tác khởi động lại nên ở trong khoảng thời gian từ 45-90 giây. Bạn nên đợi ít nhất 45 giây sau khi tắt máy nhưng không nên quá 90 giây, vì sau đó các mạch điện sẽ nguội đi. Vì thế bạn cần thao tác nhanh và chính xác khi thay một thiết bị số vào hệ thống và bật nó lên trong vòng 90 giây.

Lưu ý rằng khởi động lại không chỉ đơn thuần là nhấn công tắc tắt mở mà còn phải rút hẳn dây nguồn ra rồi cắm lại.

Nếu bạn đã từng nhận thấy máy tính của bạn chạy nhanh hơn ra sao sau khi khởi động lại bạn sẽ biết rằng những con chíp trong đầu CD hay bộ DAC cũng thụ hưởng lợi ích tương tự từ quá trình khởi động lại.

Và hãy lắng nghe lại hệ thống của bạn sau khi tái khởi động (nếu như bạn chưa từng làm thế) để xác lập mức chất lượng cơ sở, trước khi nghe thử một thiết bị khác.

Tip #122: Xoay xoay

Hãy xoay qua xoay lại và gạt lên gạt xuống tất các nút chỉnh volume, balance, nút chọn nguồn âm vào… nhiều lần trước khi bắt đầu nghe thử.

Lưu ý: đừng nên động chạm tới những nút chỉnh thuộc loại cần phải cân chỉnh chính xác, vd như của subwoofer, vì có thể rất khó để đặt nó lại đúng chỗ ban đầu, đặc biệt là khi nó khá nhỏ và bạn không có dấu chỉ chính xác vị trí của nó. Một sự thay đổi khoảng 0.5 dB đủ khiến cho mọi người nghe cảm nhận được sự thay đổi về cân bằng của phổ âm thanh, tôi thường không mạo hiểm với điều đó.

Nhưng tôi thường xoay hết cỡ mọi nút chỉnh volume, balance, selector của các thiết bị sẽ được sử dụng, cũng như gạt lên xuống nhiều lần mọi cần gạt trước khi bắt đầu buổi thử nghiệm.

Để cố định nút chỉnh volume trong một thời gian sẽ làm giảm chất lượng âm thanh vì nó gây ra sự oxy hóa phần bề mặt quét không tiếp xúc với chổi than. Xoay nút volume tới lui nhiều lần có tác dụng như một cách làm sạch bề mặt tiếp xúc.

Tip #123: Những thứ không cần thiết và gây rối

Bất kỳ thiết bị nào đang bật và ở trên cùng mạch điện với hệ thống audio của bạn cũng gây tạp nhiễu cho dòng điện, đặc biệt là các thiết bị có mô tơ, biến trở và máy tính.

Bạn cần nhớ một điều quan trọng: chất lượng âm thanh quý giá của bạn không phải gì khác hơn là chính các tín hiệu điện, được lọc và biến đổi thành tín hiệu âm thanh. “Vào xấu thì ra xấu”. Cớ sao lại duy trì các nguồn gây ô nhiễm điện ấy? Và khi bạn thử nghiệm, một thiết bị lẽ ra có thể trình diễn tốt hơn nhưng lại không có cơ hội thể hiện điều đó vì chất lượng kém của nguồn điện.

Tip #124: Mức âm lượng

Nếu bạn có thể, hãy chỉnh mức âm lượng khi so sánh 2 thiết bị sao cho càng gần nhau càng tốt. Ở đây, một khoản tiền đầu tư nhỏ để mua một âm lượng kế (SPL – Sound Pressure Level) sẽ hữu ích. Khi đó bạn có thể chọn một mức âm lượng chuẩn với 1 CD test, VD phát âm test ở 1000 Hz rồi đo và đặt âm lượng tương đương cho thiết bị còn lại.

Nếu đó là một thiết bị loại line-level trước ampli, thậm chí bạn có thể đo cường độ dòng điện ra để cân chỉnh chính xác hơn.

Lý do tại sao bạn không nên nghe thử với các mức âm lượng khác nhau là, hầu hết mọi người (ngay cả những người nghe sành sỏi nhất) thường chọn thiết bị có mức âm lượng đặt lớn hơn.

Tip #127: Cách nghe thử

Tôi gợi ý bạn hãy chọn những bản nhạc giàu cảm xúc và dài khoảng 3-4 phút cho việc so sánh thiết bị, những bản quá dài sẽ khiến bạn mất tập trung.

Trong khi bạn chú ý tới những khác biệt về âm thanh, tôi sẽ xác định xem thiết bị nào khiến cho âm nhạc trở nên hấp dẫn hơn. Bằng cách nghe trọn vẹn bản nhạc, bạn sẽ có cảm nhận tốt hơn về khả năng chuyển tải âm nhạc của từng thiết bị.

Nếu bạn chỉ nghe một đoạn ngắn, bạn sẽ nghe nhiều hơn những cái mà tôi gọi là “hiệu ứng âm thanh audiophile” và lẽ ra chọn một thiết bị trình diễn âm nhạc sống động thì bạn lại chọn thiết bị có độ chi tiết cao, mà sau một thời gian bạn sẽ thấy nó quá máy móc.

Cần nói thêm là “độ chi tiết cao” hoàn toàn không phải điều gì xấu. Chỉ cần đảm bảo là bạn nghe trọn vẹn những bản nhạc đã chọn trong tất cả các buổi thử nghiệm.

Cuối cùng, tôi không khuyến khích kiểu test nhanh. Nói chung bạn sẽ có cảm nhận tốt hơn về thiết bị khi định hướng nghe thử tập trung vào cảm xúc âm nhạc thay vì tập trung vào tiếng bass chắc hơn, hình ảnh sân khấu tốt hơn… theo kiểu so sánh nhanh “A/B”.

“Quick A/B listening session” – Ý tác giả muốn nói đến kiểu nghe một đoạn nhạc khoảng mươi giây trên một thiết bị rồi đổi thật nhanh qua thiết bị khác để nghe lại nhằm tìm kiếm sự khác biệt của các âm thanh.

Tip #128: Làm sạch các jack nối

Trước khi tiến hành bất kỳ sự so sánh nào, hãy vệ sinh sạch sẽ tất cả các điểm kết nối của hệ thống. Nếu bạn không muốn làm điều đó một cách kỹ lưỡng thì chỉ cần rút ra rồi cắm lại mọi jack nối vài lần cũng hữu ích. Nói chung, rút ra rồi cắm lại các jack nối sẽ khiến âm thanh thay đổi. Nhưng đừng quên tắt ampli trước khi làm điều đó.

Sau đó, lắng nghe lại hệ thống của bạn.

Lý do để bạn làm điều này là, nếu bạn rút ra cắm vào cùng lúc với việc thay một thiết bị mới vào hệ thống, có khả năng bạn sẽ tưởng nhầm kết quả của việc vô tình làm sạch các mối tiếp xúc là hiệu quả của thiết bị mới.

Tip #130: Sắp xếp hệ thống dây đúng cách.

Hãy chú ý tới việc sắp xếp các loại dây cáp phía sau dàn máy của bạn, đừng để các dây nguồn chạy gần kề và song song với dây interconnect hay dây loa.

Lý do là chúng sẽ gây ra tạp nhiễu cho hệ thống. Nếu phải để dây nguồn và dây tín hiệu song song nhau, hãy giữ chúng cách xa nhau ít nhất là 30 cm. Trong trường hợp chúng cắt ngang qua nhau, tốt nhất là sắp đặt sao cho chúng giao nhau thành góc vuông.

Nếu bạn thấy cần phải sắp xếp lại các loại dây cáp, bạn nên lắng nghe lại hệ thống của mình sau khi đã sắp xếp lại để có một ngưỡng tham chiếu mới trong việc thẩm định so sánh các thiết bị.

Sắp xếp tốt hệ thống dây cáp còn giúp bạn thao tác nhanh chóng hơn khi tháo lắp, thay đổi một thiết bị để bảo đảm khoảng thời gian vàng 45-90 giây như đã nói trong tip #121.

Tip #131: Nghe lại

Bạn đã hoàn tất mọi việc chuẩn bị cho việc thẩm định so sánh thiết bị mới _ làm sạch các jack nối, xoay xoay các nút vặn, khởi động lại các thiết bị, bật điện chúng đủ thời gian cần thiết,…_ bây giờ là lúc bạn ngồi lắng nghe lại hệ thống của mình. Thường thì bạn sẽ ngạc nhiên vì nó đã hay hơn bạn nghĩ trước đó.

Cũng tương tự như khi bạn có một vấn đề với cái xe hơi của bạn và bạn định bán nó đi. Nhưng khi bạn đem đến ga ra thì hóa ra đó chỉ là vấn đề nhỏ và họ đã sửa được cho bạn. Khi đó bạn lại thấy cái xe cũng không tệ và không cần đổi nó nữa.

Tuy nhiên, lý do chính của việc nghe lại hệ thống cũ là: nếu bạn thay thiết bị mới vào hệ thống ngay sau khi hoàn tất các bước chuẩn bị, bạn sẽ nhận định sai lầm về chất lượng của nó. Những gì tốt hơn có thể chỉ là kết quả từ các thao tác chuẩn bị trước đó.

Giờ đây bạn đã sẵn sàng cho việc thẩm định.

Tip #132: Mỗi lần một thứ

Giả dụ rằng bạn thay một bộ dây loa mới nhưng trong lúc cắm dây, bạn lại làm xê dịch vị trí loa. Vậy sự thay đổi âm thanh sau đó là do thay đổi dây loa hay là thay đổi vị trí loa? Bạn không thể biết được. Kiểm soát chặt chẽ những gì bạn thay đổi là một yêu cầu bắt buộc để có thể nhận định chính xác yếu tố nào ảnh hưởng đến kết quả âm thanh.

Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa: chỉ so sánh đối chiếu từng yếu tố một. Đừng bao giờ thẩm định hệ thống với 2 hay 3 yếu tố thay đổi cùng một lúc.

Tip #133: Nhớ bật lại nguồn

Khi bạn thay lắp một thiết bị mới vào hệ thống để đánh giá, đừng quên cắm điện và bật lại công tắc nguồn cho thiết bị vừa tháo ra. Nếu không, khi bạn lắp lại thiết bị cũ bạn sẽ không thể so sánh đúng vì nó đã bị nguội mất rồi. Điều này đảm bảo cho mọi thiết bị đều giữ được trạng thái hoạt động tối ưu trong khi so sánh.

Tip #134: Thiết bị nào chính xác nhất?

Khi bạn nghe thử nhiều đĩa khác nhau của cùng một thể loại nhạc và thấy âm thanh của chúng thay đổi đáng kể giữa đĩa này với đĩa khác – thay đổi nhiều hơn so với khi bạn nghe bằng thiết bị cũ – bạn có thể chắc chắn rằng thiết bị nào làm nổi bật sự khác nhau giữa các bản thu âm khác nhau là thiết bị chính xác nhất.

Nói cách khác, thiết bị nào làm mờ đi sắc thái của các bản thu là thiết bị không chính xác.

Tip #135: Cách tắt mở hệ thống an toàn

Bạn có nhớ trình tự tắt mở ampli không?

AMPLI cần được BẬT SAU CÙNG – TẮT ĐẦU TIÊN.

Nếu ampli của bạn đã được bật lên và sẵn sàng khuếch đại mọi tín hiệu nó nhận được, chắc hẳn bạn sẽ không muốn nó khuếch đại tín hiệu xung điện của việc tắt/bật đầu CD, DAC hay pre-amp. Đó là cách tốt nhất để làm hỏng củ loa.

Bật ampli sau cùng khi mọi xung điện do việc bật các thiết bị khác đã chấm dứt; tắt ampli đầu tiên và các xung điện xảy ra do tắt các thiết bị khác sẽ không bị khuếch đại ra loa.

Nguyên tắc này đặc biệt quan trọng nếu bạn dùng các thiết bị đèn (vaccum tube). Nếu như tôi sử dụng một thiết bị đèn ở đầu vào, tôi luôn chờ ít nhất 1 phút sau khi bật nó rồi mới bật ampli. Một só thiết bị đèn có cơ chế ngắt tín hiệu ra (mute) khoảng 1 phút cho đến khi thiết bị đạt điện thế ổn định. Để đảm bảo an toàn, tôi luôn đợi đến khi thiết bị ra khỏi trạng thái câm trước khi bật ampli. Ngược lại, không cần phải chờ đợi gì với việc tắt ampli đầu tiên.

Hãy nhớ: BẬT AMPLI SAU CÙNG – TẮT AMPLI ĐẦU TIÊN

Tip # 136: Vì sao bảng tính năng kỹ thuật hầu như vô dụng khi đánh giá loa?

Trong thực tế, bảng quy cách kỹ thuật đi kèm với cặp loa không có tí hữu dụng nào. Ngoại trừ việc cho ta biết về chức năng, kích cỡ và trọng lượng, các thông tin khác đều vô dụng.

Bạn có thể dùng thông số về dải tần số đáp ứng như một chỉ báo về việc cặp loa đó có đủ bass cho bạn không. Thông số về độ nhạy của loa giúp bạn có khái niệm chung về việc nó sẽ cần khoảng bao nhiêu công suất. Ví dụ, nếu cặp loa có độ nhạy là 88 dB thì bạn có thể tin chắc rằng cái ampli 10w không thể đủ cho nó. Ngoài ra, các thông số này thường bị tối ưu hóa quá đáng.

Thông số về công suất cũng tương tự thế. Bạn đã đọc về các hiệu ứng nén chưa? Hãy xem Tip #160 & 161 (các bác sẽ sớm có các tip này sau khi e hoàn tất nốt vài tip cuối của phần này). Bằng cách nào các nhà sản xuất xác định thông số về giới hạn công suất? Vài nhà sản xuất tính thông số này dựa trên việc cặp loa kêu to được đến mức nào trước khi bị hỏng hoàn toàn. Hiển nhiên, trong trường hợp này người tiêu dùng sở hữu cặp loa sẽ là nạn nhân của các hiệu ứng nén.

Bạn nên biết rằng hầu như không có quy tắc nào để xác định thông số của các bộ loa. Chúng có thể được diễn giải rất linh hoạt và phóng đại. Đó cũng là lý do tại sao tôi luôn nhấn mạnh một bộ loa cần được thẩm định trong một thời gian đủ dài, tốt nhất là ở nhà bạn.

Tip # 137: Vì sao bảng tính năng kỹ thuật hầu như vô dụng khi đánh giá các thiết bị điện tử?

Cũng giống như với loa, bảng thông số kỹ thuật đi kèm với các thiết bị audio hầu như không có tí giá trị thực tế nào.Ngoài việc cho ta biết về chức năng, kích cỡ và trọng lượng, các thông tin khác đều vô dụng. Nói chung, ta có thể chấp nhận thông số về công suất của một ampli là có ích, nhưng ngay cả thông số đó cũng rất hạn chế. Còn quá nhiều biến số khác mà ta không có đủ chỗ để thảo luận ở đây.

Mọi thiết bị đều được công bố có đáp tuyến tần số phẳng và độ méo cực thấp. Nhưng, mỗi thiết bị lại có đặc trưng âm thanh riêng. Không có bảng quy cách nào đề cập đến thông số cân bằng nhiệt hay nhiều yếu tố khác tác động đến âm thanh do thiết bị đó phát ra.

Những quyển hướng dẫn cung cấp cho bạn vài hướng dẫn để đánh giá thiết bị. Cứ dùng chúng, tuy nhiên, chỉ để xem qua những điều cơ bản rồi quẳng chúng sang một bên. Bạn cần phải lắng nghe.

Tip #138: Rất nhiều báo chí viết về nó, sao không mua quách nó luôn nhỉ?

Luôn luôn tin tưởng vào đôi tai bạn với bộ dàn của bạn. Hãy nhìn nhận thực tế: những nhà phê bình không đến nhà bạn, họ không biết hệ thống của bạn kêu như thế nào trong căn phòng của bạn. Có lẽ loại nhạc hay chất âm họ thích cũng không giống bạn.

Vì thế, đây là cách tôi nhìn nhận về những bài bình luận đó. Ngay cả khi đó là bài ca ngợi hết lời, tôi chỉ coi đó là 1 thông tin tham khảo về sản phẩm. Một bài ca ngợi có thể khiến tôi đặt thiết bị đó vào danh mục để cân nhắc tìm hiểu thêm. Nhưng tôi phải nghe nó trên hệ thống của tôi để biết liệu nó có TỐT HƠN CHO TÔI hay không.

Nếu bạn sử dụng những tip trong cuốn sách này, bạn sẽ có khả năng nghe nhận được liệu cái thiết bị đang được hoan hô rầm rộ đó có thực sự phù hợp với hệ thống của bạn hay không. Tôi không hứa là bạn sẽ phân tích tốt hơn các nhà bình luận “chuyên nghiệp” nào đó, nhưng… biết đâu được!

Như thường lệ, tôi mạnh mẽ khuyến cáo bạn hãy tìm hiểu những vấn đề nêu ra trong cuốn sách này trước khi đầu hàng cám dỗ mua sắm, bất kể các thiết bị đó được khen ngợi thế nào và bất kể ai khen ngợi nó.

Tip #140: Có nên định hướng đến các nhãn hiệu nổi tiếng để được đảm bảo chất lượng?

Điều này tùy thuộc vào việc bạn địnn nghĩa chất lượng là gì. Thông thường, thiết bị của một nhãn hiệu tên tuổi sẽ được chế tạo bởi những vật liệu cao cấp nên sẽ bền chắc hơn.

Tuy nhiên, tôi cho rằng tự thân thương hiệu không nói lên chất lượng âm thanh. Trong thực tế, khi một công ty trở nên thành công hơn về mặt tài chính, không phải hiếm những trường hợp công ty đó đánh mất một phần chất lượng của thuở ban đầu, khi nó còn là một công ty nhỏ.

Đôi khi, những thương hiệu đình đám nhất lại trở thành những cỗ máy tiếp thị hơn là tiếp tục tìm kiếm những đột phá trong lĩnh vực trình diễn âm thanh. Có vô số những công ty gặt hái tiếng tăm của họ nhờ vào công nghệ quảng cáo và khuyến mãi khôn ngoan, hơn là từ chất lượng âm thanh của sản phẩm. Hoặc họ đã có những cách tân trong quá khứ xa xôi nhưng không có cải tiến gì mới trong nhiều năm qua.

Mặt khác, một nhãn hiệu nhỏ có thể đem lại chất lượng tuyệt hảo nhưng họ lại không có đủ thị phần để tồn tại trong bão táp thương trường.

Tip #141: Hệ thống của bạn sẽ kêu to đến đâu không thành vấn đề

Thực tế là hầu hết thời gian chúng ta không thể vặn âm lượng bộ dàn quá to. Đó là lý do tại sao tôi luôn luôn muốn chắc chắn là hệ thống của tôi phải nghe hay với mức âm lượng nhỏ .

Vài loại loa cần khá nhiều công suất mới trở nên sống động. Nhiều loa chỉ có thể phát ra âm thanh tự nhiên (effortless – theo nghĩa không bị bí bức, bị nghẹt chứ không phải cái “âm thanh tự nhiên” mà chúng ta hay thảo luận) khi đạt đến một ngưỡng âm lượng nào đó, như thể nó cần được đánh thức vậy.

Thông thường, những loa kêu tốt ở mức âm lượng thấp sẽ nghe tốt ở mọi mức âm lượng, trừ phi âm lượng lên đến mức quá tải. Và thường thì những loa này có độ nhạy cao.

 #156: Việc nén tín hiệu đã hủy hoại vẻ đẹp của âm nhạc như thế nào?

Nói một cách đơn giản, tín hiệu bị nén sẽ làm giảm sự tương phản của độ động trong âm nhạc. Thường thì chính sự tương phản này khiến trái tim ta rung động. Khi nào dải động này bị thu hẹp thì các xúc cảm âm nhạc cũng bị bó hẹp theo.

Tất nhiên, âm nhạc biểu diễn trực tiếp là nhạc không bị nén. Nhận biết độ động không bị nén là công cụ chính giúp ta phân biệt giữa nhạc sống và nhạc tái tạo. Ngay cả khi ta vẫn còn đứng ngoài cửa, chưa bước vào trong phòng, bạn vẫn biết đó là âm nhạc đang biểu diễn trực tiếp chứ không phải âm nhạc tái tạo qua một hệ thống âm thanh.

Âm nhạc đã bị nén luôn luôn mất đi phần nào sự sống động và cảm xúc. Càng bị nén, âm nhạc càng mất đi sức sống của nó. Hậu quả là sức mạnh của âm nhạc – khả năng tác động tới cảm xúc – đang bị thương tổn trên toàn thế giới.

Tip #160: Hiệu ứng nén hành trình (displacement compression) của loa và tác hại.

Hiệu ứng nén này không chỉ phá hỏng độ động của âm nhạc mà nó còn là nguyên nhân chính làm thay đổi sự cân bằng âm sắc khi loa kêu ở mức âm lượng lớn. Đây là vấn đề thường bị bỏ qua.
Hiệu ứng nén này xảy ra khi củ loa tiếp nhận một tín hiệu lớn hơn khả năng di chuyển tuyến tính của nó. Hiển nhiên bạn không thể mong đợi loa bass tiếp tục kêu ngày càng to, tương ứng với nút xoay volume của bạn. Khi loa bass bị yêu cầu di chuyển vượt quá ngưỡng thiết kế của nó, nó sẽ ngừng tuân theo đòi hỏi của nút chỉnh volume. Ở thời điểm này hiệu ứng nén bắt đầu xảy ra vì loa vẫn kêu, nhưng âm lượng không tăng tịnh tiến với mức volume nữa. Hành trình của màng loa (hay cuộn cảm) đã bị nén lại trong giới hạn thiết kế của nó. Âm nhạc bắt đầu mất đi sự sống động.

Hiệu ứng này không dễ nhận ra. Không phải bộ loa đột ngột ngừng lại ở mức âm lượng nào đó và không kêu to hơn nữa, nó chỉ từ từ làm âm thanh bị nén lại.

Hậu quả của nó có thể nhận thấy qua sự biến đổi về cân bằng âm sắc. Khi loa bị tiếp nhận những tín hiệu khó hơn, hành trình của loa bass bắt đầu bị nén lại, âm thanh trở nên mỏng hơn, sáng hơn _ vì hành trình của loa treble vẫn có thể tiếp tục đáp ứng được yêu cầu của volume trong khi loa bass đã ngừng đáp ứng.

Ngay cả nếu hiệu ứng nén hành trình bắt đầu cùng lúc với mọi củ loa, tác động của nó tới độ động sẽ làm âm nhạc nghe kém hấp dẫn hơn.

Đây là lý do tại sao việc nghe thử ở nhà, hay ít ra là nghe thử thật kỹ lưỡng ở cửa hàng, rất quan trọng trước khi quyết định mua một bộ loa. Bởi vì bộ loa mà bạn nghe thấy rất đã tai, với âm sắc cân bằng hài hòa ở cửa hàng, có khi lại trở nên nhạt nhẽo khi đem về nhà. Và nguyên nhân chính có thể là hiệu ứng nén hành trình đấy.

Tôi muốn lưu ý rằng hiệu ứng nén hành trình và hiệu ứng nén do nhiệt thường xảy ra đồng thời.

Tip #161: Hiệu ứng tăng nhiệt độ của cuộn dây loa và tác hại.

Bạn sẽ làm gì nếu tôi trao cho bạn 1 bóng đèn 60w vừa được tháo ra sau khi đã bật sáng vài giờ? Bạn sẽ cầm được nó trong bao lâu?

Hãy nghĩ tới cái loa mà ampli của bạn đang đánh. Cuộn cảm động của loa sẽ rất nóng. Khi cuộn cảm động nóng lên, các thuộc tính điện từ của nó sẽ thay đổi. Trở kháng của nó sẽ tăng lên. Trở kháng tăng cao do hiệu ứng nhiệt sẽ làm cho loa thay đổi cân bằng âm sắc (trở kháng cao sẽ làm giảm công suất ra). Ví dụ, khi cuộn cảm động của loa bass bị quá nhiệt, trở kháng đối với dải tần số thấp sẽ tăng lên, vì thế tiếng bass sẽ yếu đi khiến cho dải tần số cao trội lên, tổng thể âm sắc trở nên sáng hơn, cũng tương tự như tác dụng của hiệu ứng nén hành trình.

Đây là một lý do nữa cho việc cần nghe thử một bộ loa với nhiều thể loại nhạc và ở nhiều mức âm lượng khác nhau. Cũng như hiệu ứng nén hành trình, hiệu ứng nén do nhiệt cũng không dễ phát hiện. Cả hai đều không xảy ra ở các mức âm lượng thấp.

Hiệu ứng nén do nhiệt cũng có thể xảy ra sau một khoảng thời gian nghe dài, cho dù bạn nghe không quá lớn. Cuộn cảm động có thể nóng lên từ từ với một số kiểu thiết kế loa nào đó, và bộ loa có thể dần dần chuyển từ âm sắc ấm áp mà bạn thích sang một thứ âm sắc ít hấp dẫn hơn.

Khi bạn đọc những bình luận về bộ loa nào đó nghe thấy mệt quá, các hiệu ứng nén này có thể là một phần nguyên nhân. Hãy để ý đến cả 2 hiệu ứng này khi đánh giá một bộ loa. Cả hai rất khó nhận ra và không dễ đo đạc được nhưng thường thì chúng sẽ khiến người nghe cảm thấy mệt mỏi sau khi nghe một lúc lâu ở mức âm lượng lớn.

Có những người cho rằng sự biến đổi này không thể nghe nhận được. Nhưng tôi nhận thấy hầu như bất kỳ ai cũng có thể cảm nhận được sự biến đổi 0.5 dB trong tổng thể âm sắc. Có lẽ đây là điểm bất đồng giữa chúng ta – về ngưỡng thay đổi mà tai người nghe cảm nhận được.

Tip #157: Nén tín hiệu như thế nào, tại sao người ta làm thế và ảnh hưởng của nó đến âm thanh

Nếu diễn tả việc âm nhạc bị nén chỉ bằng một từ thì đó là từ: LỚN HƠN.

Bạn có bao giờ để ý rằng khi bạn xem TV, âm lượng của các đoạn quảng cáo thường lớn hơn âm lượng của các chương trình chính. Điều đó cũng xảy ra khi bạn nghe radio.

Bạn nghĩ gì nếu như tôi nói với bạn rằng âm lượng của các đoạn quảng cáo đó, về mặt kỹ thuật, không hề lớn hơn bình thường. Thật ngạc nhiên khi biết mức âm lượng cực đại của chúng cũng chỉ bằng mức cực đại của các chương trình khác. Nhưng chúng có vẻ kêu to hơn bởi vì mức âm lượng trung bình của nó lớn hơn. Đó chính là mánh lới của việc nén tín hiệu.

Bạn nên biết rằng, môt chương trình TV hay radio không thể vượt quá một ngưỡng âm lượng nhất định, nếu không nó sẽ bị phạt hay bị cấm phát sóng hoặc làm cháy máy phát sóng.

Vậy vì sao và làm thế nào mà những đoạn quảng cáo ấy lại kêu to như thế? Tốt nhất là bạn hãy xem hình minh họa dưới đây.

Bạn có nhận thấy mọi âm kế đều có cùng mức âm lượng cực đại? Có nhận thấy cái âm kế thể hiện đầy đủ mức cực đại và cực tiểu (không nén) có khoảng dao động lớn hơn? Đây chính là chỉ báo về độ động tương ứng.

Bây giờ hãy để ý tới cái âm kế mà khoảng dao động của nó dồn sát về mức âm lượng cực đại., bạn sẽ thấy mức âm lượng cực tiểu của nó cao hơn nhiều so với âm kế đầu tiên.

Các mức độ chênh lệch âm thanh từ nhỏ đến lớn đã bị nén lại theo hướng tín hiệu có âm lượng cực đại. Vì sao nó lại kêu to hơn? Vì bây giờ mức trung bình giữa âm lượng nhỏ nhất và lớn nhất trở nên cao hơn.

Bị nén càng nhiều, mức âm lượng trung bình càng cao và âm thanh bạn nghe được càng lớn.

Trong thế giới quảng cáo, những nhà sản xuất luôn luôn dùng hiệu ứng nén này để giữ cho bạn không chuyển kênh vào lúc họ phát quảng cáo. Xuất phát điểm của ý tưởng này là vì họ cho rằng, nếu đoạn quảng cáo có âm lượng thật lớn thì bạn sẽ chú ý đến nó và không chuyển qua kênh khác.

Và việc ứng dụng “mức âm lượng trung bình” là lý do khiến chúng ta gặp rắc rối với âm nhạc, khởi đầu từ các đài phát thanh.

Tip #157: Nén tín hiệu như thế nào, tại sao người ta làm thế và ảnh hưởng của nó đến âm thanh
tiếp theo và hết

Các đài phát thanh nhận thấy rằng thu nhập của họ phụ thuộc vào số lượng thính giả mà họ có thể tuyên bố là họ có. Với radio, đặc biệt là trong xe hơi, nếu tín hiệu hơi suy yếu hay ồn nhiễu, bạn sẽ đổi kênh ngay. Khi người nghe đổi kênh vì lý do tín hiệu kém, họ đã làm phạm vi phủ sóng của kênh phát thanh bị giảm sút. Mà phạm vi phủ sóng càng rộng, số lượng người nghe càng nhiều thì chủ kênh phát thanh càng thu được nhiều tiền từ nhà quảng cáo. Vì vậy, khi các đài phát thanh càng ngày càng nén tín hiệu nhiều hơn, mức âm lượng trung bình của các chương trình cũng tăng dần lên và người nghe ít chuyển kênh hơn vì lý do tín hiệu yếu.

Các công ty thu âm bắt đầu để ý đến hiện tượng này. Họ nghĩ, nếu các CD của chúng ta kêu lớn hơn của các hãng khác, chúng ta sẽ bán được nhiều hơn. Và thế là cuộc chạy đua tồi tệ trong lĩnh vực nén tín hiệu bắt đầu, đặc biệt trong các thể loại nhạc thông dụng (popular music).

Hậu quả của cuộc chiến này là gì? Rất nhiều CD nhạc ngày nay chỉ có độ động không đến 10dB. Đó là tất cả những gì còn lại từ 70dB độ động nguyên thủy.

Âm nhạc nguyên thủy lúc trình diễn đã bị bàn tay nén tín hiệu bóp nghẹt. Nếu bạn nhìn vào âm lượng kế như trong hình minh họa khi nghe loại nhạc nén đó, bạn sẽ thấy kim chỉ báo hầu như luôn luôn nằm lệch về mức cực đại và hầu như chả bao giờ rớt xuống gần mức cực tiểu.

Rốt cuộc, các CD với thứ âm thanh mạnh mẽ đấy đã tước bỏ hầu hết ý nghĩa nghệ thuật và xúc cảm của âm nhạc. Tin tốt là một số nghệ sĩ đã nhận ra thông điệp âm nhạc của họ bị làm méo mó và bắt đầu chống lại việc nén tín hiệu quá mức. Vấn đề là, liệu họ có thể chống lại các thế lực truyền thông?

ip #158: Lợi ích của việc nén tín hiệu trên sóng FM

Chắc hẳn bạn cũng đã nhận thấy, khi ngồi trên xe hơi ta hầu như không thể nghe được một CD nhạc giao hưởng. Nếu bạn đặt âm lượng sao cho nghe rõ đoạn chơi nhỏ nhất thì âm lượng của đoạn chơi lớn nhất sẽ không thể chịu được. Tuy nhiên, cùng chương trình giao hưởng đó, bạn lại có thể nghe một cách thoải mái qua đài FM ở mức âm lượng vừa phải. Đó là vì việc nén tín hiệu của đài phát thanh đã làm giảm bớt độ tương phản âm lượng giữa tín hiệu nhỏ nhất và lớn nhất .

Có lẽ đây là tình huống duy nhất mà nén tín hiệu mang lại lợi ích cho chúng ta, những người nghe nhạc. Hơn nữa, không nên để mình bị âm nhạc lôi cuốn quá mức khi bạn đang lái xe.

CÁC TÁC ĐỘNG ÂM HỌC CỦA PHÒNG NGHE & CÁCH XỬ LÝ

Có lẽ tôi chưa nhấn mạnh đủ tầm quan trọng của phòng nghe như một thiết bị trong hệ thống. Vì thế tôi sẽ tiếp tục nói về nó. Nói chung, ngoại trừ hệ thống loa trong 1 vài trường hợp, không có thiết bị nào đem lại sự cải thiện về chất lượng âm thanh và cảm xúc âm nhạc nhiều bằng chính căn phòng của bạn. Và sửa lại căn phòng thì thường rẻ hơn nhiều so với việc thay đổi thiết bị.

Tip #60: Lắp thêm sàn gỗ trên sàn bê tông

Nếu sàn phòng nghe của bạn là sàn bê tông và được trải thảm, bạn sẽ nhiều cơ hội thay đổi chất âm của hệ thống bằng cách thay đổi nội thất trước khi tiêu tiền vào các thiết bị mới.

Lần đầu tiên tôi nhận thấy hiện tượng này khi thu âm master cho một buổi hòa nhạc. Khi chúng tôi thu âm trong một căn phòng có sàn bê tông hay một loại vật liệu nhân tạo tương tự, âm sắc của các nhạc cụ trở nên lạnh hơn. Cũng những nhạc công đó, khi chơi trong căn phòng sàn lát gỗ, tạo ra âm thanh ấm áp, cuốn hút hơn.

Tất cả những gì bạn cần làm là đóng thêm 1 lớp sàn gỗ bên trên sàn bê tông hiện có, không nhất thiết phải là gỗ đặc mà có thể dùng gỗ ép từ bột gỗ, rồi phủ thảm lên. Tôi chưa từng thấy bất kỳ thiết bị nào, pream, ampli hay cáp tín hiệu… tạo ra được sự thay đổi âm sắc nhiều như thế.

Một lưu ý về sàn gỗ: lớp sàn gỗ phải được kê lót chắc chắn, không rung hay tạo ra dội âm. Nếu bạn có thể nghe thấy tiếng bước chân mình vang lên khi đi trên sàn thì cần phải gia cố nó. Nếu phần chân đế sàn làm không đúng, sàn gỗ sẽ trở thành buồng cộng hưởng âm, xóa nhòe các nốt nhạc, làm tiếng bass bị ù.

Với một sàn gỗ được lát đúng cách, người nghe luôn luôn ngạc nhiên nhận thấy dải động tăng lên đáng kể. Dải động cao hơn và âm sắc ấm áp hơn khiến cho âm nhạc cuốn hút hơn.

Tip #61: Thay đổi các góc phòng có thể đem lại hiệu quả lớn cho âm thanh

Các góc phòng tạo ra tiếng dội, hãy đặt vật gì đó trước các góc tường, ví dụ như 1 chậu cây (như trong tip #64). Hiển nhiên là cột bass trap sẽ đáp ứng tốt việc này nhưng tôi không nghĩ bạn muốn làm phòng mình trông như một studio. Bass trap rất hiệu quả nhưng có thể chúng không phù hợp với nội thất phòng. Một cái kệ góc hay giá sách chắn ngang góc tường khoảng 45o sẽ có tác dụng tốt.

Tip #62: Hút âm hoặc tán âm cho mặt tường sau lưng bạn

Tôi nghĩ là không nên quá lạm dụng các vật liệu xử lý âm học cho phòng nghe. Tôi đã từng thấy những phòng nghe của một số audiophile xử lý triệt tiêu âm thanh phản xạ quá mức đến nỗi ngồi nói chuyện trong đó cũng thấy khó chịu.

Nhưng có một vị trí, tùy thuộc vào việc bạn ngồi ở đâu trong phòng, mà bạn cần hấp thu hay khuếch tán âm thanh, bất kể bạn sở hữu loại loa nào.

Nếu mặt tường sau lưng cách chỗ bạn ngồi trong khoảng 1,5m trở lại, bạn nên tìm cách giảm bớt âm thanh của loa chính dội lại từ bức tường phía sau. Những âm dội này làm nhòe chi tiết, biến đổi âm sắc và khiến bữa tiệc âm nhạc của bạn trở thành một mớ hỗn độn.

Cá nhân tôi thích giải pháp hút âm hơn, vì tôi không muốn thêm những âm thanh phản xạ vào bản thu âm gốc. Nhưng cũng có những trường hợp tán âm sẽ tốt hơn. Những vật liệu hấp thu âm thanh tốt nhất là các vật liệu tự nhiên như cotton hay len. Chúng có thể được sử dụng độc lập hay làm màng che cho vật liệu hút âm khác bên trong. Khi dùng làm màng che, chúng phải có khả năng thẩm thấu âm thanh càng cao càng tốt. Ngay cả khi bạn không thể có được giải pháp tối ưu, bạn cũng nên che mặt tường đi bằng một thứ gì đó giúp giảm tác dụng phản xạ, đừng để nó trống trơn.

Tip #63: Làm thế nào để biết khả năng thẩm thấu âm thanh của các loại màng che (bọc ngoài tấm xử lý âm hay màng che loa)

Đây là một mẹo giúp bạn đánh giá khả năng thẩm thấu âm thanh của một màng che. Dùng 2 tay kéo căng nó ra và đặt cách miệng bạn 1-2 inch (2,5-5cm). Thổi vào nó.

Nếu bạn cảm thấy một phần lớn không khí đi xuyên qua lớp màng ra phía trước, màng đó thẩm thấu âm thanh tốt. Nếu bạn cảm thấy hầu hết không khí dội ngược lại vào má bạn thì thứ đó không có khả năng thẩm thấu âm thanh.

Và, trước khi bạn hỏi, có không ít màng che loa không đáp ứng được bài kiểm tra này.

Tip #65: Làm thế nào để biết bạn đã xử lý phòng quá mức cần thiết

Rất dễ. Hãy lắng nghe tiếng nói của một người nào đó quen thuộc với bạn. Để người đó đứng gần vị trí loa và nói gì đó với bạn trong khi bạn ngồi ở vị trí nghe. Bạn nên test ở mọi vị trí đặt loa, đặc biệt là 2 loa trước trong hệ thống loa đa kênh. Một bài kiểm tra tương tự nữa là để người đó nói trong khi ngồi gần bạn quanh vị trí nghe.

Nếu một giọng nói, mà bạn biết vốn sống động, trở nên khô khốc, vô hồn (dead & lifeless), có lẽ bạn đã quá lạm dụng các vật liệu xử lý âm.

Tôi nhận thấy rằng một căn phòng khiến cho việc đối thoại trở nên không tự nhiên (quá vang vọng hay quá khô khốc, vô hồn) đều không hiệu quả cho việc nghe nhạc. Nếu bạn để ý đến tính chất âm học của nhà hát (kịch), bạn sẽ nhận thấy hiệu ứng này. Các nhà hát được thiết kế để khuếch đại tối đa phát âm của diễn viên và thường không phải là nơi phù hợp để nghe nhạc.

Tip #68: Xác định vị trí phản xạ âm cần xử lý

Từ vị trí ngồi nghe của bạn, chiếu đèn pin ở độ cao ngang tai vào cái gương nhỏ đặt trên tường bên cạnh. Chú ý nhìn ánh sáng phản xạ chiếu vào loa, di chuyển cái gương sao cho tia sáng phản xạ chiếu vào loa treble. Đánh dấu vị trí cái gương, đó chính là điểm dội âm đầu tiên.

Tôi khuyên bạn nên thử dùng một tầm chăn dày để che phủ vùng mà bạn đã xác định là điểm dội âm đầu tiên trước khi chạy đi mua các tấm tiêu tán âm.

Tip #69: Tối ưu hóa công dụng của bass trap

Bạn có để ý thấy có một khe phản xạ hẹp chạy dọc theo cột bass trap không? Bằng cách xoay khe này về các hướng khác nhau, bạn có thể thay đổi hiệu quả của nó. Kết quả thu được không đồng nhất cho mọi tình huống và không thể đoán trước vị trí nào là tối ưu. Đừng ngần ngại quay nó tới các hướng khác nhau để tinh chỉnh căn phòng của bạn.

Tip #70: Không nên để kệ máy hay đồ nội thất ở giữa cặp loa

Thật ngạc nhiên khi tôi luôn thấy các kệ thiết bị được đặt giữa các đôi loa ở các phòng trưng bày hay các gian hội chợ như CES, ngay cả khi kệ áp sát vào tường còn loa thì nhô lên.

Tác động rõ rệt nhất của lối sắp đặt này là nó sẽ làm hại đến sân khấu âm thanh. Phản xạ âm từ các tầng kệ, ngay cả khi chúng ở đằng sau mặt phẳng loa, sẽ hủy hoại phần nào thông tin về thời gian đến (tai người nghe) của các tín hiệu được mã hóa trong bản thu.

Và thêm một điều gây mất tập trung nữa: thật khó để thả hồn theo nhạc khi dàn đèn led của thiết bị cứ rọi vào mặt bạn.

Tip #71: Làm gì nếu bạn bắt buộc phải để kệ máy giữa cặp loa?

Đôi khi chúng ta không có lựa chọn nào khác là để kệ máy ngay chính giữa cặp loa. Nếu bạn nằm trong tình huống đó, hãy cố gắng đặt kệ máy càng sát tường càng tốt và đẩy loa xa tường hết mức có thể. Phản xạ âm từ kệ máy vẫn xảy ra nhưng sẽ được giảm thiểu.

Bất cứ lợi ích nào bạn gặt hái được từ việc sử dụng dây loa và dây interconnect ngắn đều không thấm vào đâu so với tác hại của việc đặt kệ máy giữa 2 loa, trừ phi kệ được kê đủ xa phía sau loa.

Tip #72: Vị trí tốt nhất để đặt kệ máy

Vị trí tốt nhất cho kệ máy là cạnh tường bên, như hình minh họa ở trên. Có ít nhất 3 điểm lợi khi bạn đặt kệ máy ở cạnh tường bên, vào khoảng giữa chiều dài bức tường.

– Những thiết bị của bạn sẽ không gây tác hại đến sân khấu âm thanh.
– Bạn đỡ mất tập trung hơn khi nghe nhạc, nghĩa là bạn dễ thả hồn tưởng tượng về một sự kiện âm nhạc đang diễn ra giữa 2 cái loa hơn.
– Điều quan trọng nhất: đó là vùng ít bị ảnh hưởng bởi tiếng bass nhất trong phòng nghe của bạn, vì thế sóng âm sẽ ít tác động đến âm thanh của nguồn phát – đặc biệt với thiết bị sử dụng đèn điện tử và mâm đĩa than.

Có người sẽ thắc mắc về tác hại của việc phải sử dụng dây loa và dây interconnect dài hơn khi đặt kệ máy ở phía bên. Nhưng lợi ích của việc đặt kệ máy ở vị trí đó luôn luôn vượt trội lợi ích thu được từ việc sử dụng các dây cáp ngắn hơn.

Tip #73: Tránh vị trí xấu nhất đối với các thiết bị

Cố gắng tránh sắp xếp các thiết bị, đặc biệt là nguồn phát, ở những vùng bị ảnh hưởng bởi âm bass mạnh (cả trực tiếp lẫn phản xạ). Đầu CD và đĩa than sẽ mất đi sự sống động khi chúng bị dội bom bởi những dao động tần số thấp. Hầu hết các thiết bị bóng đèn điện tử cũng bị ảnh hưởng xấu ở những vị trí như vậy.

Thực tế là chúng ta có thể nhận thấy những ảnh hưởng xấu đến âm thanh của một hệ thống quay đĩa than không được set up đúng khi cho loa kêu ở âm lượng lớn (giả dụ rằng loa có dải tần số đủ thấp).
Chúng ta thường không nghe ở mức âm lượng lớn đến mức nhận ra được những tác hại, nhưng chúng ta cần tiếp cận vấn đề đó. Bởi vì chúng ta tăng âm lượng một cách từ từ, ta rất dễ bỏ qua sự suy hao từ từ của sự sống động của âm thanh. Đó là chưa kể đến tiếng bass bị nhòe đi.

Dưới đây là 3 vị trí tệ nhất cho việc đặt các thiết bị của bạn:
– Trong góc.
– Bất cứ chỗ nào ở mặt tường sau lưng bạn.
– Nơi tiếp giáp giữa sàn nhà và tường.

Tất nhiên vẫn còn những vị trí khác có thể bị ảnh hưởng bởi âm dội tần số thấp, nhưng 3 vị trí đó là 3 nơi tệ nhất của bất kỳ căn phòng nào.

Hãy dời các thiết bị phát và mọi thiết bị sử dụng bóng đèn của bạn ra khỏi các vị trí trên và lắng nghe xem hệ thống trình diễn thanh thoát hơn, với tiếng bass tốt hơn như thế nào.

ÂM TRẦM CỦA HỆ THỐNG STEREO VÀ LOA SIÊU TRẦM (SUBWOOFER)

(phần này chắc nhiều bác thích đây

:)

 )

Một trong số những điều làm tôi thất vọng ghê gớm là nghe các hệ thống stereo được ghép thêm subwoofer, cả ở các triển lãm lẫn nhà riêng. Có lẽ vì điều chỉnh đúng một hệ thống như vậy khá phức tạp do có quá nhiều biến số. Phần này sẽ giúp bạn cải thiện hiệu quả nếu như hệ thống stereo của bạn có dùng subwoofer.

Tip #31: Đừng tin các “chuyên gia” khi họ bảo bạn chỉ cần dùng 1 subwoofer

Âm thanh siêu trầm có thể là vô hướng, nhưng các chuyên gia đã hoàn toàn sai khi họ bảo rằng bạn chỉ cần 1 loa sub tốt. Không may là, trong khi lý thuyết “vô hướng” dựa trên một thực tế nào đó, kết quả cuối cùng lại rất sai lạc – đặc biệt là khi phát những bản thu âm acoustic.

Bất kể loa sub của bạn tốt đến đâu, một loa sub đơn độc sẽ phá hỏng bản nhạc thu âm acoustic. Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã chứng minh điều này cho nhiều người hoài nghi bằng cách phát những bản thu âm acoustic không hề có tiếng bass. Những bản thu multitrack trong studio cũng có thể có chất lượng tương đương bản thu acoustic ở khía cạnh nào đó, nhưng không luôn luôn cùng đẳng cấp.

Những tín hiệu tần số thấp, bước sóng dài đến các micro thu stereo ở các thời điểm hơi khác nhau, và loa sub stereo sẽ tái tạo những tín hiệu không gian-thời gian này trên từng kênh tương ứng. Các loa sub cung cấp những tín hiệu về cảm nhận không gian sẽ biến một hệ thống từ trình diễn “tốt” (sounding good) thành trình diễn “như thật” (sounding real). Đó là vì tai chúng ta giải mã những tín hiệu không gian bằng cách thu nhận âm thanh phản xạ từ tường và trần nhà. Thời gian đến của tín hiệu sẽ cho ta biết không gian đó rộng khoảng bao nhiêu.

Các tín hiệu không gian tần số thấp này, tồn tại trong những bản thu âm acoustic, là yếu tố quan trọng giúp chúng ta “thả hồn theo nhạc” – chúng ta sẽ lắng nghe và chấp nhận hình ảnh minh họa do bản thu tạo ra như thể “ta đang ở đó”. Một hình ảnh ảo 3 chiều có thể hiện lên, với mỗi nhạc cụ hay giọng ca dường như chiếm một vị trí không gian cụ thể trong sân khấu âm thanh 2 chiều trước người nghe.

Khi tiếng bass bị gom lại trong 1 kênh (trường hợp sử dụng 1 loa sub), sự chênh lệch về thời gian đến của tín hiệu trên mỗi kênh bị triệt tiêu. Dấu ấn riêng của không gian acoustic biến mất không thể cứu vãn. Đó sẽ không còn là bản thu âm thật của các nhạc cụ thật trong một không gian thật nữa.

Để kiểm chứng lý thuyết của chúng tôi, chúng tôi đã cho phát lại các bản thu âm master của một dàn chuông tay (hand-bell: chuông nhỏ, cầm tay lắc cho kêu), được thu trong nhà thờ, hầu như chỉ có âm thanh tần số cao với một chút trung âm, không có âm trầm nhận thấy được. Những người hoài nghi từng trải đã chết lặng vì nhận thấy âm trường biến mất khi chúng tôi sử dụng 1 mono subwoofer thay vì một cặp sub stereo.

Một lưu ý quan trọng là sử dụng 2 loa subwoofer cho hệ thống xem phim đa kênh thường không giải quyết được vấn đề của âm nhạc. Mặc dù có 2 subwoofer, chúng vẫn đều lấy chung nguồn tín hiệu mono từ thiết bị A/V processor. Vì vậy thông tin về âm trường trong đĩa nhạc của bạn vẫn mất đi không thể cứu vãn.

Cuối cùng, đừng đặt 2 loa sub gần nhau vì sẽ làm giảm hiệu quả stereo. Bạn sẽ mất đi chất lượng không gian tuyệt vời mà các loa sub đặt đúng có thể đem lại.

Tip 34: Đừng bao giờ cân chỉnh subwoofer bằng tiếng bass

Coi như bạn đã tìm được vị trí tối ưu cho cả các loa sub và loa chính, vấn đề tiếp theo là làm sao cho 2 cặp loa hòa nhịp với nhau một cách mượt mà.

Nếu bạn dùng các bản ghi với tiếng bass để cân chỉnh hệ thống, bạn sẽ không bao giờ thỏa mãn. Bạn sẽ luôn luôn rời khỏi ghế nghe để đi chỉnh lại loa sub, tùy theo bản nhạc có ít hay nhiều tiếng bass. Âm lượng bass biến đổi rất nhiều theo từng đĩa nhạc, vì vậy nếu bạn chỉnh bass cho ưng ý với 1 đĩa nhạc cụ thể nào đó thì thường là 1 đĩa nhạc khác sẽ không làm bạn hài lòng.

Nhưng nếu bạn tập trung giải quyết việc hòa trộn giữa loa sub và loa chính thì sau đó bạn có thể quên đi những khía cạnh kỹ thuật và thưởng thức âm nhạc. Tiếp theo đây là 1 kỹ thuật đơn giản nhưng đem lại những kết quả tinh tế.

Nếu tần số cắt trên 100Hz, bạn hãy chọn vài bản thu âm với giọng đơn ca nữ, càng ít nhạc cụ kèm theo càng tốt (dùng giọng đơn ca nam nếu tần số cắt trong khoảng 75-100 Hz). Chỉnh lượng bass sao cho giọng hát nghe thật tự nhiên, không quá mỏng cũng không quá dày. Nếu tần số cắt quá thấp để có thể nhận thấy sự khác biệt của giọng hát, bạn có thể sử dụng tiếng đàn cello độc tấu để điều chỉnh.

Với hầu hết loa sub, mức điều chỉnh này là rất nhỏ, thậm chí bạn có thể không nhận thấy là nút điều chỉnh đã xoay. Để khắc phục vấn đề này, bạn nên thay nút điều chỉnh nhỏ xíu bằng 1 cái nút lớn hơn hoặc chế 1 cái mặt phóng đại thang chia độ gắn vào mặt máy và 1 mũi tên dài gắn lên mặt nút xoay.

Điều bạn đang làm là điều chỉnh dải tần số đáp ứng của loa chính đến điểm mà sự chuyển tiếp giữa loa chính và loa sub diễn ra một cách mượt mà nhất. Khi bạn đạt được điều này, bạn sẽ không còn phải nhấp nhổm đi chỉnh sub theo từng đĩa nhạc nữa. Nếu bạn vẫn còn có nhu cầu đó thì 1 cái equalizer hay chỉ vài nút tone control cũng đủ hữu ích trong khi vẫn duy trì được sự cân bằng hoàn hảo giữa loa sub và loa chính.

Tip #164: Dây loa 2 bên có nhất thiết phải dài bằng nhau?

Từ nhiều năm trước, tôi đã luôn cho rằng dây loa hai bên dứt khoát phải dài bằng nhau.

Nhưng gần đây, một nhà sản xuất đã cho thấy chắc chắn rằng, dây loa có thể dài ngắn rất khác nhau, ít nhất là với dây loa do hãng đó sx. Ông ta đã cho test thử với dây loa bên trái dài 1,8m còn dây loa bên phải dài 18m và nhiều “chuyên gia” như tôi đã té ngửa khi nhận thấy lý thuyết của chúng tôi hoàn toàn sai lầm, ít ra là với dây loa của hãng này.

Điều này có ý nghĩa gì với bạn? Đừng tin ai khăng khăng nói với bạn là dây loa 2 bên dứt khoát phải dài bằng nhau. Các loại cáp khác nhau sẽ tương tác với các thiết bị điện tử và các loại loa khác nhau theo các cách khác nhau. Hãy tự mình lắng nghe.

Mua các cặp cáp bằng nhau có lẽ sẽ tiện lợi hơn nhưng đừng quá bận tâm đến lợi ích âm thanh mà việc đó đem lại. nó không nhất thiết đúng.

Tip #165: Vấn đề kích thước: có phải thùng loa to hơn thì tốt hơn?

Khoảng thập niên 60, Tony Hoffmann đã đưa ra nhận định sau, được gọi là định luật sắt Hoffmann và nó vẫn đứng vững đến ngày nay.

Với một thùng loa kín, có 3 lựa chọn thiết kế:
– Tiếng bass sâu.
– Hiệu suất cao.
– Kích thước thùng nhỏ.
Không may là bạn chỉ có thể chọn 2 trong 3 đặc điểm.

Nhiều nhà thiết kế tin rằng tiếng bass hay nhất là từ những thùng loa kín (không có lỗ thoát hơi), vì vậy nếu bạn muốn có tiếng bass sâu và hiệu suất cao, bạn sẽ phải đánh đổi không gian đủ lớn cho thùng loa. Hay nếu bạn vẫn muốn tiếng bass đấy nhưng thùng loa nhỏ thôi thì bạn sẽ phải tốn nhiều công suất ampli đấy. Hoặc thùng loa nhỏ với hiệu suất cao nhưng tiếng bass sẽ không sâu.

Tip #166: Mini-monitor + sub vs. loa toàn dải

Lợi ích chủ yếu của việc sử dụng loa mini-monitor cùng với subwoofer riêng biệt là tiết kiệm không gian, và có lẽ một phần ngân quỹ nữa mặc dù nếu set up đúng cách với 2 subwoofer, phần tiết kiệm được chắc chẳng còn bao nhiêu. Tôi không thể nghĩ ra còn lợi ích nào khác. Có thể 1 cặp mini-monitor sẽ cho hình ảnh sân khấu chính xác hơn, nhưng xét từ góc độ âm nhạc, chỉ thế thôi thì vô nghĩa.

Còn đây là những nhược điểm:
– Khi kết hợp loa mini-monitor với subwoofer, sẽ đặc biệt khó chỉnh cho cả hệ thống trình diễn một cách liền lạc. Thêm vào đó, người ta thường mắc 1 sai lầm lớn: chỉ dùng 1 subwoofer cho cả hệ thống.
– Độ động cũng thường là nhược điểm của loa mini-monitor, ngay cả khi chúng không có cơ cấu giới hạn hành trình nhằm bảo vệ củ loa mid/bass. Đáng tiếc là chúng hiếm khi trình diễn trơn tru và sống động nên chúng không thể truyền tải âm nhạc đến với bạn một cách trọn vẹn.

Vì lẽ đó, mọi hệ thống kết hợp mini-monitor với subwoofer tôi từng nghe đều có vấn đề về chuyển tải cảm xúc âm nhạc khiến chúng không thể so sánh với các hệ thống sử dụng loa full range – không có ngoại lệ.

Tôi biết rằng đôi khi loa mini-monitor là lựa chọn duy nhất và tôi cũng từng nghe một vài hệ thống trình diễn khá tốt. Nhưng, xét ở góc độ âm nhạc, chúng không bao giờ là lựa chọn tối ưu.

Tip #169: Đôi loa này công suất bao nhiêu watt?

Tôi không thể nhớ nổi đã bao nhiêu lần nghe câu hỏi này. Dường như mọi người nghĩ rằng chỉ số watt cao là một dấu hiệu của chất lượng tốt. Tôi xin khẳng định là: không hề!

Đó là vì không hề có một qui ước nào về xác định các thông số kỹ thuật của loa, mọi bản thông số kỹ thuật loa hầu như không có giá trị. Khi xác định công suất cực đại mà loa có thể xử lý, có phải công suất đó áp dụng cho mọi tần số không? Với âm nhạc hay chỉ tín hiệu test? Hay đó là mức công suất mà khi đó loa sẽ bị hỏng?…

Nói chung, một nhà sản xuất loa có thể tuyên bố bất kỳ điều gì ông ta muốn, bởi vì không có sự cấm đoán nào, hay thậm chí một hướng dẫn nào cho ngành sản xuất loa. Tin tốt là cũng có một số công ty không đi theo khuynh hướng thổi phồng các số liệu trong tài liệu của họ.

Tip #174: Dây loa và dây interconnect có tạo ra sự khác biệt đến mức nhận thấy được?

Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu khi bàn về vấn đề này, chỉ có thể nói rằng tôi ở phe cho rằng “chúng có tạo ra sự khác biệt”.
Việc so sánh có thể rất khó khăn. Một số dây cáp khá nhạy cảm với sự di chuyển sau khi đã lắp đặt xong. Một số cáp khác cho âm thanh rất chi tiết nhưng lại khiến người nghe mệt mỏi. Thực tế là tôi thường cảnh giác với loại cáp nào thể hiện quá nhiều chi tiết ngay từ phút ban đầu.

Vì thế, sẽ hữu ích nếu dành chút thời gian để nghe thử 1 bộ cáp cho tử tế. Thay vì nhanh chóng cắm rút, tráo đổi bộ này với bộ kia, tôi nghe thử xem bộ nào sẽ giúp tôi thăng hoa cùng âm nhạc.

Nhưng, cũng như với mọi thiết bị khác, sự khác biệt này là không đáng kể so với việc làm cho phòng nghe hòa hợp với hệ thống của bạn.

Tip #175: Dây nguồn có tạo ra sự khác biệt?

Theo tôi, Robert Hartley, tác giả cuốn The Complete Guide to High-End Audio, là người nói hay nhất về việc này. Tôi trích dẫn lại: “Dây nguồn không phải là phần cuối cùng của dịch vụ điện lực (vi thế không có ý nghĩa gì quan trọng). Đó chính là khởi đầu của giao tiếp giữa bộ phận cấp nguồn của thiết bị với dịch vụ điện lực.”

Tôi đã từng nghi ngờ những ý kiến nói dây nguồn tạo ra khác biệt, mặc dù tôi đánh giá cao những khác biệt tạo ra bởi dây loa hay dây interconnect. Tuy nhiên sau đó tôi đã khám phá ra là quả thật có những dây nguồn cho ra âm thanh tốt hơn hẳn loại khác.

Vài nhà thiết kế quảng cáo về các lớp chống nhiễu, vài người khác quảng cáo về vật liệu,… Cách tốt nhất để biết là nghe thử. Có những cọng dây nguồn khá đắt nhưng lại chỉ đem lại một chút xíu đổi thay, hoặc thậm chí chả khác biệt gì. Vì vậy bạn cần kiên nhẫn tìm kiếm.

Tip #172: Chủ quan, khách quan và những cái ampli

Cho tới tận ngày nay, chúng ta dường như chưa biết những kỹ thuật đo đạc nào có thể dự đoán chất lượng âm thanh của một thiết bị. Tất nhiên không phải các kỹ thuật đo đạc hiện nay là vô dụng. Chỉ là chúng ta vẫn chưa tìm được một tập hợp các phép đo phù hợp có thể cho chúng ta biết một cái ampli sẽ kêu như thế nào. Tôi có thể xem các biểu đồ thử nghiệm và thán phục một bảng thông số kỹ thuật nhưng chúng không cho tôi biết âm thanh của các nhạc cụ sẽ phát ra thế nào khi qua thiết bị đó.

Các số đo có thể lừa dối chúng ta. Các giá trị cao hay thấp của một thông số nào đó không nhất thiết phản ánh đúng âm thanh của thiết bị đó. Ví dụ các ampli đèn điện tử thường tạo ra nhiều méo hài hơn các ampli bán dẫn cùng tầm tiền, nhưng kiểu méo đặc trưng của chúng có khi lại ít khó chịu hơn các ampli bán dẫn kiểm soát độ méo tốt hơn.

Tip #144: Gia tăng sự thỏa mãn âm nhạc cho bạn bằng cách điều chỉnh độ khuếch đại (độ lợi / gain / volume) để giảm thiểu tạp âm nền (noise) của hệ thống

Tùy thuộc vào loại loa, tỉ lệ signal-to-noise (S/N) của hệ thống nhà bạn có thể cần tinh chỉnh.

Tỉ lệ signal-to-noise tối ưu đối với hầu hết người nghe là không nghe thấy tiếng ù xì nền ở vị trí ngồi nghe chính, tốt nhất là chỉ có một chút hoặc hoàn toàn không từ vị trí cách loa 1m trở ra.

Khi loa có hiệu suất đủ cao (nó sẽ khuếch đại tín hiệu âm nhạc lẫn tạp âm nền với hiệu quả cao hơn các loại loa khác), tạp âm nền có thể trở thành vấn đề. Ở đây tôi nói đến loại tiếng ù xì nội tại của các mạch điện tử, không phải tiếng ù do xử lý nối mát sai hay những lý do tương tự.

Những tiếng ù xì này thường xuất hiện trong các hệ thống sử dụng loa có độ nhạy cao cả 100 dB nhưng đôi khi tôi cũng nghe thấy chúng trong những hệ thống sử dụng loa chỉ có độ nhạy 92 dB.

Tạp âm có thể do ampli hay preampli gây ra. Nhưng ta cũng có thể gặp tạp âm không mong muốn này ở ngay cả một preamli khá tĩnh nhưng lại đi cùng với loa độ nhạy cao và power amp có mức khuếch đại (gain) lớn (26-31 dB).

Với những hệ thống kiểu này bạn không thể vặn volume pream lên cao nên bạn sẽ mất cơ hội tinh chỉnh volume.

Hơn nữa, hầu hết pream sẽ không cho ra âm thanh tốt nhất của nó ở mức volume quá thấp. Với loại chiết áp volume xoay, hình ảnh và sự cân bằng lập thể (mà có thể bị ảnh hưởng khi volume yếu) thường thể hiện tốt nhất khi nấc volume ở trong khoảng 11h – 3h.

Khi mức khuếch đại (gain) của cả hệ thống quá cao, việc hạn chế volume có thể ảnh hưởng tới độ động và tổng thể âm nhạc, bởi vì preamp hoạt động với tín hiệu bị làm suy giảm quá nhiều.

Chắc bạn đã biết điều cơ bản là preamp luôn chạy ở mức tối đa và nút volume không phải để khuếch đại thêm tín hiệu mà là để giảm bớt mức suy giảm của tín hiệu.

Vậy làm thế nào chúng ta vừa có thể tăng thêm sự sống động cho hệ thống vừa làm giảm bớt những tiếng ù xì?

Kinh nghiệm cá nhân của tôi là hãy giảm mức khuếch đại (gain) của power amp, thường là 6-10 dB. Giả định rằng preamp của bạn có tỉ số S/N biến đổi chút ít tùy theo mức volume. Tất cả preamp đều hoạt động như vậy. Nếu nó có vẻ ồn khi ghép cùng loa độ nhạy cao và amp độ khuếch đại lớn, bạn có thể giảm được tạp âm bằng cách hạ thấp gain của ampli.

Vậy nếu bạn có 1 cái ampli có mức khuếch đại là 31 dB thì khi bạn giảm mức khuếch đại còn 26 dB bạn đã cắt giảm được 5 dB tạp âm nền. Nếu bạn giảm gain của ampli còn 20 dB là bạn giảm được 11 dB tạp âm nền.

Bạn sẽ cần vặn volume của preamp lên một khoảng để bù cho số gain bị cắt giảm ở ampli. Đây là điều tốt vì khi đó bạn có thể chỉnh volume chính xác hơn và nút volume của bạn sẽ hoạt động ở khoảng tối ưu của nó.

Thông thường, hầu hết ampli có mức khuếch đại từ 26-31 dB. Nhưng trong thực tế mức khuếch đại khoảng 20 dB là đủ cho hầu hết ampli hoạt động tốt. Điều bạn muốn là có thể khai thác tối đa việc kiểm soát volume mà không phải là biến nó thành hụt hơi. Có 5 cách để cải thiện tỉ số S/N của hệ thống:

1. Cách thông thường nhất là giảm bớt mức khuếch đại của ampli thông qua một bộ điều chỉnh độ khuếch đại (gain). Ngày nay ít ampli nào gắn sẵn bộ điều chỉnh này, vì vậy bạn cần tìm hiểu xem việc điều chỉnh này có thể thực hiện bởi nhà sản xuất không, hay bởi một kỹ thuật viên.

2. Bạn có thể đề nghị nhà sản xuất giảm độ khuếch đại nội tại của ampli. Vài nhà sản xuất sẵn sàng làm điều này, một số khác thì không. Nếu bạn có một kỹ thuật viên giỏi, có thể nhờ anh ta thực hiện việc điều chỉnh này.

3. Bạn có thể mua một bộ suy giảm thụ động gắn thêm bên ngoài ampli. Tôi sẽ nghe thử xem liệu lợi ích mà nó đem lại (qua việc tăng cường kiểm soát volume và giảm tạp âm nền) có bù đắp được tổn thất nào đó trong chất lượng âm thanh do thêm bộ suy giảm vào hay không. Tất nhiên, đây là lựa chọn của bạn.

4. Một số người chọn preamp có thiết kế độ khuếch đại thấp hơn, có thể thấp hơn từ 6-10 dB so với thông thường. Cách này cũng có hiệu quả. Lý tưởng là khi bạn có thể so sánh biện pháp nào tốt nhất cho hệ thống của bạn: amp có độ khuếch đại thấp hơn, bộ suy giảm thụ động gắn ngoài hay preamp có độ khuếch đại thấp hơn.

5. Cuối cùng, bạn có thể sử dụng loa có độ nhạy thấp hơn, nếu như bạn tìm được một bộ ưng ý.

Tip #145: Nhưng bạn có cần một hệ thống tĩnh tuyệt đối?

Điều này phụ thuộc vào sở thích và cảm nhận chủ quan của từng người. Nhưng sau nhiều năm tôi chợt nhận ra một thực tế ngược với những gì tôi từng nghĩ là tôi biết.

Tôi nhận thấy rằng, những hệ thống có độ tĩnh hoàn hảo (đến mức để tai gần loa mà không hề nghe thấy tạp âm nền khi nấc volume đặt ở mức trung bình đến cao) lại thường là những hệ thống nghe nhạc ít thú vị nhất, mặc dù chúng có những ưu điểm kỹ thuật nhất định.

Tôi đã cố gắng tìm hiểu tại sao lại như vậy, tôi biết chắc rằng nhiều người nghe có kinh nghiệm cũng nhận thấy điều đó. Nhưng tôi không tìm ra lý do kỹ thuật nào cho việc này.

Tôi chỉ chắc chắn một điều là những hệ thống có một chút tạp âm khi bạn ghé tai gần loa (trong vòng 1m) thường cho âm thanh sống động hơn và cuốn hút hơn so với những hệ thống tĩnh lặng kỳ dị khi vặn volume lên cao. Nếu bạn biết tại sao, vui lòng cho tôi biết với!
Tip #147: Nếu bạn có những công tắc dimmer

Tốt nhất là bạn loại bỏ chúng khỏi căn phòng để hệ thống âm thanh nhạy cảm của bạn. Chúng thường là nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng cho dòng điện AC.

Tuy nhiên, nếu bạn không thể dễ dàng bỏ chúng đi được thì làm thế nào để giảm thiểu tác hại của chúng?

Trước hết, hãy TẮT hẳn các dimmer và sử dụng các nguồn chiếu sáng khác trong phòng. Các dimmer thường có một nấc để tắt hẳn với tiếng click hoặc một công tắc phụ để tắt hoàn toàn.

Nếu bạn vẫn phải dùng nguồn sáng qua dimmer, chỉ dùng nó ở mức sáng nhất. Để dimmer ở bất cứ vị trí nào ngoài TẮT HẲN và MỞ HẾT MỨC nghĩa là bạn đang dùng một mạch biến trở để tác động đến cường độ sáng và sẽ có một lượng rác điện “nhiễm bẩn” tương ứng hòa vào nguồn điện chính.

Có một điều quan trọng bạn cần nhớ liên quan đến vấn đề này: nếu bạn vô tình điều chỉnh dimmer trong quá trình cắm rút so sánh, thẩm âm các thiết bị thì đánh giá của bạn có thể sai lệch.

Tip #151: Điều bạn phải làm để đảm bảo các thiết bị chạy bóng đèn (tube) của bạn trình diễn tốt nhất.

Vài năm trước tôi có một bộ sưu tập ampli đèn. Vài cái trong số đó, thành thật mà nói, rất chập chờn. Nhưng tôi lại yêu chất âm của chúng khi chúng hoạt động tốt. Tôi luôn có những bóng đèn dự trữ vì một cái ampli thỉnh thoảng lại làm hư bóng xuất âm.

Một lần, khi tôi thay các bóng mới vào cái ampli đó, tôi sửng sốt với âm thanh hay hơn hẳn trước đó của nó. Không phải những bóng đèn cũ bị hư, tôi mới sử dụng chúng khoảng 9 tháng. Tôi chuẩn bị đem cái ampli này đến một cuộc triển lãm nên tôi muốn thay bóng mới cho nó, mặc dù chưa đến thời hạn thay thế.

Tất nhiên, chúng ta đều biết tuổi thọ dự kiến của các bóng đèn, dựa trên khuyến cáo của nhà sản xuất ampli. Trong trường hợp nói trên, nó đã ngắn hơn khá nhiều.

Rõ ràng là những bóng đèn này đã suy hao nhanh hơn chúng ta tưởng. Nhưng sự suy hao đó diễn ra từ từ khiến chúng ta không nhận ra cho đến khi thời hạn thay thế theo khuyến cáo tới, hoặc rút cục phát hiện ra chất lượng âm thanh sao lại tệ thế, hoặc khi bóng đèn thật sự bị hư.

Vi thế tôi bắt đầu luôn dự trữ bóng đèn thay thế, không hẳn chỉ vì đề phòng thảm họa, mà còn để thay vào đối chiếu vài tháng một lần. Và tôi đã bị sốc với kết quả thu được.

Theo các nhà sản xuất ampli, với cách sử dụng ampli của tôi thì tôi cần thay bóng sau khoảng 2 năm. Nhưng điều tôi phát hiện ra là các bóng đèn bị suy hao đáng kể chỉ sau 6 tháng. Điều này không chỉ xảy ra với các bóng xuất âm mà có thể cả các loại bóng khác nữa.

Vậy lời khuyên ở đây là bạn nên bỏ ra ít tiền đầu tư một bộ bóng dự trữ cho tất cả các thiết bị dùng đèn, thỉnh thoảng thay chúng vào và xem chất lượng âm thanh có tốt lên đủ để cắm chúng luôn ở đấy và vứt các bóng cũ đi chưa.

Tip #152: Các thiết bị có cần phải chạy Break-in?

Không phải ai cũng tin vào chuyện thiết bị cần chạy break-in, cả về lý thuyết lẫn thực tế.

Tôi thuộc nhóm tin vào hiệu quả của việc break-in. Trong thực tế, đó là mối bận tâm chính của tôi trong mọi hội chợ triển lãm thiết bị âm thanh như CES hay Stereophile Home Entertainment Show. Về mặt cá nhân, tôi nghĩ điều đáng lưu ý là trong 8 show triển lãm mà tôi đã lắp đặt và cân chỉnh, chúng tôi đã 5 lần nhận được đánh giá “Âm thanh hay nhất triển lãm” từ nhiều tạp chí âm thanh. Tôi luôn bảo đảm mọi hệ thống trình diễn phải qua chế độ chạy break-in nghiêm túc.

Mỗi lần triển lãm, mỗi hệ thống và mỗi căn phòng đều khác nhau, thường khác xa nhau. Nhớ rằng chúng tôi đang nói đến hàng trăm công ty sản xuất ra hàng trăm thiết bị rất tốt, tất cả cạnh tranh nhau để trở thành tốt nhất hay ít ra là nằm trong nhóm tốt nhất.

Một điểm khác tôi muốn chỉ ra là, theo chỗ tôi biết, không có ai trong nhóm phủ nhận hiệu quả của việc break-in nhận được lời khen ngợi nào cho các thiết bị họ đem trình diễn. Có sự liên quan gì ở đây không nào?

Bạn có bao giờ nhận thấy nồi súp nấu ở nhà sẽ ăn ngon hơn nếu bạn chờ một lúc mới ăn thay vì ăn ngay sau khi nấu xong? Nó cần thời gian để “chín”. Tôi nghĩ việc chạy break-in cho thiết bị cũng tương tự, bất kể là loại thiết bị nào, từ loa, ampli, dây cáp … đến phono cartridge. Mỗi thiết bị cần thời gian break-in khác nhau. Mặc dù vài thiết bị có vẻ như cần cả đời để break-in, tôi áp đặt thời gian break-in tối thiểu là 100h cho mọi thứ.

Đừng tùy tiện chấp nhận ý kiến của tôi. Hãy tự xem bạn có nhận thấy sự khác biệt vào dịp bạn có một thiết bị mới trong hệ thống.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*